Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra lại bị xử ép ở Mỹ
02 | 07 | 2009
Sau thuế chống bán phá giá, đường vào Mỹ của cá tra thêm gập ghềnh khi các nhà nuôi cá da trơn nước này đang vận động Quốc hội Mỹ ban hành luật kiểm tra mới.

Các nhà nuôi cá da trơn tại Mỹ đang vận động hành lang cho một đạo luật có thể đe dọa ngành xuất khẩu cá da trơn của VN.

Sau nhiều năm tranh luận rằng cá da trơn (catfish) nhập khẩu từ VN không phải là cá da trơn và giành thắng lợi với một đạo luật liên bang khẳng định điều đó, nay các nhà nuôi cá Mỹ lại đang nói ngược lại. AP cho biết các nhà nuôi cá Mỹ đang ráo riết vận động hành lang để lại có một đạo luật mới: họ muốn những con cá nhập khẩu từ VN lại được gọi là… cá da trơn, và do đó sẽ bị đặt dưới một chế độ kiểm tra mới mà họ đã thúc đẩy thông qua Quốc hội Mỹ năm 2008.

Quản lý riêng cá tra!

Cần nhắc lại hồi năm 2002, ngành kinh doanh cá da trơn của Mỹ buộc cá da trơn VN bán ở Mỹ phải mang những cái tên xa lạ với người tiêu dùng như pangasius, basa hay tra. Một năm sau, ngành này lại gây áp lực thành công khiến các nhà lập pháp áp thuế bán phá giá ở mức 64% đối với cá nhập khẩu từ VN. Năm 2008, các nhà sản xuất ở Mỹ đã thuyết phục được những nhà làm luật ở các bang nuôi nhiều cá da trơn do thượng nghị sĩ Cộng hòa Thad Cochran của bang Mississippi đứng đầu, lồng yêu cầu kiểm tra vào dự luật cho các nông trại lớn.

Quản lý thủy sản ở Mỹ lâu nay thuộc quyền của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA). FDA kiểm tra trực tiếp sản phẩm và thường dễ cho các bên nước ngoài tham gia. Còn dự luật của Cochran tách cá da trơn thành loại thủy sản riêng đặt dưới sự quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ vốn chỉ quản lý các sản phẩm thịt bò, thịt heo, gia cầm...

Hiện người ta đang chờ Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack xác định loại cá nào được định nghĩa là cá da trơn. Thế nhưng, một đề nghị dự thảo mà AP nắm được trong tay kêu gọi đặt loại cá tra, cá ba sa của VN vào danh sách đó. Yêu cầu về hệ thống kiểm tra của các nhà sản xuất Mỹ có thể là đòn chí mạng chấm dứt mọi đơn hàng nhập khẩu cá da trơn vào nước này. Được áp dụng cho tất cả cá da trơn bán ở Mỹ, nó sẽ buộc VN phải thiết lập một hệ thống kiểm tra phức tạp và chứng minh hệ thống đó tương đương hệ thống ở Mỹ, một tiến trình “sẽ mất rất nhiều năm”.

Nguy cơ chiến tranh thương mại

AP gọi động thái này là “một ví dụ cho thấy các ngành kinh doanh đầy thế lực có thể biến mong muốn của họ thành hiện thực ở quốc hội ra sao”. Nó có thể ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu từ VN trong nhiều năm và “gây ra mối hiểm họa về một cuộc chiến tranh thương mại rộng lớn hơn”.

Hội Nông dân cá da trơn Mỹ, hiệp hội hàng đầu của nghề này ở Mỹ, đã từ chối mọi cuộc thảo luận về hệ thống kiểm tra với lời giải thích phải chờ quyết định của Bộ trưởng Vilsack.

Những người phản đối, bao gồm cả các nhà phân phối Mỹ mua cá từ VN, nói rằng lập luận trên chỉ cốt đánh lạc hướng. “Nếu người ta thật sự tin rằng cá nuôi cần phải được kiểm tra nhiều hơn thì tại sao không phải tất cả các loại cá nuôi? Tại sao không phải là cá rô phi? Tại sao không phải là cá hồi?” - ông Matt Fass, chủ tịch Công ty Các sản phẩm biển quốc tế, một nhà phân phối ở Virginia, nói với AP. 

Lý do thật sự, theo ông Fass, là tiền bạc. “Nó sẽ mang tới lợi ích cho một nhóm nhỏ những người mà tôi gọi là những nhân vật chủ chốt của ngành nuôi cá da trơn trong nước. Cá nuôi càng ít được nhập khẩu vào đất nước này thì họ  càng dễ bán sản phẩm của mình”.

Không bình thường

Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho rằng việc đưa cá tra, cá ba sa của VN vào định nghĩa “catfish” là không bình thường trong chính sách thương mại của Mỹ. Mỹ đang đưa những chính sách kiểu “sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng’’.

Ông Dũng cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ba sa VN đã mất một thời gian dài để bán với tên “cá tra, cá ba sa, hay cá swai’’ và đến nay người tiêu dùng của Mỹ đã chấp nhận cái tên này. Giờ VN không muốn gọi tên cá tra, cá ba sa cùng tên với cá da trơn của Mỹ. “Nếu định nghĩa mới được thông qua, cá tra, cá ba sa của VN khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ bị giám sát ngặt nghèo hơn, không chỉ về sản phẩm mà còn cả về quy trình sản xuất”.

Ông Dũng cho biết theo quy trình, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ đưa ra dự thảo quyết định về vấn đề này và phía VN có hai tháng để có ý kiến về dự thảo quyết định đó.

Trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra, cá ba sa sang Mỹ đạt 14.368 tấn với giá trị đạt 46,085 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2008.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường