Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tàn sát rừng xanh
24 | 08 | 2007
Trong những ngày vừa qua, 20ha rừng ở xã Quảng Hợp, 30ha ở Sơn Trạch và gần 100ha rừng ở khu vực Rào Chéo của Lâm trường Đồng Hới (Quảng Bình) đã bị phát đốt trụi. Sự phá rừng diễn ra ngang nhiên trước... mũi của các địa phương và cơ quan giữ rừng.

Một con đường rộng 4m, dài hơn 5km bắt đầu từ rừng trồng cao su của Công ty cao su Việt Trung đâm thẳng vào rừng xanh vừa được mở. Đó là con đường do 19 hộ dân ở đội 8, thị trấn Nông trường Việt Trung thuê máy ủi ủi hơn một tháng qua để vào... phá rừng và chở gỗ rừng ra bán.

Theo con đường còn tươi rói màu đất ấy chúng tôi tới vùng rừng bị phá, thuộc tiểu khu 355, do Lâm trường Đồng Hới quản lý. Rừng bị phá ở đây thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh (xã Thuận Đức, TP Đồng Hới). Hồ này có nhiệm vụ giữ nước, cấp nước sinh hoạt cho 50.000 dân và tưới cho 600ha lúa hai vụ của các xã Nghĩa Ninh, Thuận Đức, Đồng Phú, Bắc Lý, Nam Lý của TP Đồng Hới.

Rừng xung quanh đỉnh cao 314 trước đây là rừng xanh, thuộc tình trạng rừng tự nhiên 2A được bảo vệ, phục hồi đã có trữ lượng gỗ, nay trước mắt chúng tôi đã là một vùng đất chết. Gần 100ha rừng bị phát đốt trụi lủi. Đất chỉ còn là một màu đen của cây cháy. Trên mặt đất dày đặc gốc cây đường kính từ 20-25cm chưa kịp cháy hết, nay tua tủa chổng lên trời, trở thành những dấu tích của rừng. Có cả những gốc cây đường kính trên 50cm.

Lượng gỗ chặt xuống người dân chưa chở đi hết, chúng tôi ước lượng còn lại khoảng hai ôtô, nằm vương vãi trên mặt đất đen cháy. Sau một hồi hăm hở chụp ảnh, anh bạn đồng nghiệp cùng đi buông thõng chiếc máy ảnh xuống, thốt lên: “Không muốn chụp nữa, nhiều đến chán ngán ra rồi. Phải gan to tày trời họ mới dám phá rừng kiểu ni”.

Để tiếp tục phá rừng, họ dám mở thêm những con đường khác vắt qua vài triền đồi, đâm thẳng về phía các khoảnh rừng tự nhiên còn sót lại ven các triền đồi khác.

Khi chúng tôi còn loay hoay tìm đường vào khu rừng bị chặt phá, đột ngột xuất hiện một nhân viên kiểm lâm chạy theo, hỏi vào rừng làm gì. Anh bảo: “Chúng tôi có nhiệm vụ giữ rừng nên bất cứ ai vào rừng chúng tôi cũng phải hỏi để biết”. Một người dân địa phương mà chúng tôi gặp trên đường đi cho biết: “Người phá rừng thuê cả máy ủi vô mở đường cả tháng ni, rồi chở biết mấy xe ôtô gỗ ra bán mà kiểm lâm và lâm trường có ai biết mô! Mấy ngày ni mới chộ kiểm lâm vô đây mắc võng nằm chốt thì rừng còn mô nữa mà bảo vệ!”.

Tàn sát rừng xanh, đó là những gì chúng tôi nghĩ được khi đứng trước các khoảnh rừng bị đốt phá này.



LAM GIANG
Báo cáo phân tích thị trường