Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến thủy sản ở ĐBSCL: Đỏ mắt tìm công nhân
13 | 07 | 2009
Cả tháng nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Sóc Trăng thông báo tuyển công nhân nhưng số lượng tuyển được rất ít.

Yêu cầu thấp vẫn không tuyển được công nhân

Sáng 10/7, tại Cty Cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi, tấm băng vải treo tuyển 500 công nhân, phất phơ theo gió. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Cty, than thở: "Chúng tôi đưa ra nhiều ưu đãi, đặc biệt với lao động nữ người dân tộc Khmer ở địa phương. Vậy mà cả tháng qua chỉ tuyển được vài người".

Cty TNHH Kim Anh cần tuyển 300 công nhân. Ông Đỗ Ngọc Tài, phó tổng giám đốc Cty này cho biết, thông báo liên tục trên đài truyền hình từ một tháng qua nhưng đến nay mới nhận được 30 hồ sơ đăng ký. Nhiều Cty khác cũng nằm trong tình trạng chung như vậy.

Cty Cổ phần Chế biến Thủy sản XNK Sao Ta cần tuyển 700 công nhân. Cty TNHH Phương Nam cần tuyển 600 công nhân. Cty Stapimex cần tuyển 500 công nhân. Tất cả đều hiu hắt người đến nộp hồ sơ.

Sợ vắt chanh bỏ vỏ

Các công ty đưa ra điều kiện tuyển dụng lao động rất đơn giản, chỉ cần có sức khỏe và biết đọc, biết viết, mức lương 1,2 triệu đồng/tháng và trả theo tuần, nhưng vẫn không hấp dẫn người lao động.

Chị Thạch Thị Thu Sương ở xã An Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng), từng làm công nhân ở nhà máy chế biến thủy sán Út Xi, kể: "Hồi đó, tôi làm ở phân xưởng lột vỏ tôm, mỗi tháng được trên dưới 1,2 triệu đồng, có ngày làm trên 12 tiếng, làm thêm mỗi giờ được thêm 5.000 đồng.

Trong khi đó ở phải thuê, ăn uống phải tự lo, trừ chi phí hết mỗi tháng dư vài trăm ngàn. Hôm nào bệnh nghỉ thì bị trừ tiền, còn con bệnh phải vay mượn thêm của người quen".

Chị Liêu Thị Nga ở xã Liêu Tú (Long Phú, Sóc Trăng), làm tại một xí nghiệp của Cty Út Xi, cũng bộc bạch: "Lương của em được 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng có tháng chỉ còn chưa đầy 500.000 đồng nên chỉ đủ tiền ăn cơm.

Khi cần thì họ mời mình, còn khi không cần thì vứt lăn lóc, mạnh ai nấy chạy tìm việc làm, khổ lắm. Nhà máy sử dụng cái kiểu vắt chanh bỏ vỏ ai cũng nản". Công nhân chế biến thủy sản không dám quay lại vì cường độ làm việc quá căng.

Theo anh Lê Văn Nhơn ở xã Kế Thành (Kế Sách, Sóc Trăng): "Công nhân ăn trưa, nghỉ khoảng 30 phút, lại tiếp tục công việc. Gần 15 giờ chiều công việc kết thúc. Cả ngày gần 10 giờ đứng, toàn thân rã rời, cánh tay mỏi nhừ, chân cẳng tê cứng.Về đến phòng là nằm xuống ngủ chứ không nghĩ chuyện gì nữa cả".

Tuy nhiên, công nhân chế biến thủy sản sợ nhất là bệnh nghề nghiệp. Chị Trần Thị Na Ri ở xã Phú Mỹ (Mỹ Tú, Sóc Trăng), từng làm ở nhà máy của Cty Sao Ta, cho biết: "Vào làm ở phân xưởng chế biến, lạnh quá, tôi bị đau mũi, đau mặt, nhức đầu. Ban đầu các triệu chứng xuất hiện nhẹ, nhưng nặng dần đến mức nghe tới phòng lạnh là sợ".

Chị Na Ri cho biết thêm, nhiều người bạn chung phân xưởng cũng bị bệnh về tai, mũi, họng, nhiều người không chịu nổi môi trường khắc nghiệt trong nhà máy chế biến thủy sản nên đành nghỉ việc.

Tìm hiểu thêm ở một số địa phương, được biết, công nhân từng làm trong các nhà máy chế biến thủy sản còn đang bị chủ các vựa lúa giành giật. Chị Thạch Thị Thu Sương ở xã An Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng), từng làm công nhân ở nhà máy chế biến thủy sản Út Xi nói: "Tôi về quê đi làm thuê cho người nông dân, mỗi ngày 70.000 - 80.000 đồng, tự do".

Chị Trần Thị Thu ở xã Tài Văn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) thì cho hay, chị đi cắt lúa mướn một công được trả 200.000 - 250.000 đồng, người giỏi một ngày cắt gần một công, nên không ham trở lại nhà máy chế biến thủy sản.



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường