Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lối đi nào cho ngành rau quả?
19 | 07 | 2009
Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài Nghịch lý trái cây VN, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN đã có những ý kiến trao đổi về chiến lược phát triển ngành trái cây trong nước
 

* Hiện nay tình hình sản xuất, xuất khẩu trái cây của VN đang tồn tại nhiều yếu kém. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

 - VN sản xuất rau quả đạt sản lượng lớn (đứng thứ 5 châu Á) nhưng chủ yếu là tiêu thụ trong nước (85%), xuất khẩu được rất ít. Kim ngạch xuất khẩu từ năm 2003 đến nay tăng trưởng khá đều nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các hộ làm vườn chưa đủ khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng lớn trong khi năng lực chế biến của doanh nghiệp còn thừa rất nhiều. Bên cạnh đó phải nhìn nhận, vẫn còn khiếu nại của khách hàng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì...). Hầu hết trái cây VN xuất khẩu dưới nhãn mác của nước ngoài. Quá trình phát triển sản xuất trái cây còn mang nặng tính tự phát, manh mún nên đã bộc lộ những mặt yếu như: giá thành cao; lúc trồng ồ ạt, lúc chặt hàng loạt; chất lượng thấp và không ổn định; tổn thất sau thu hoạch lớn, tỷ lệ đưa vào chế biến thấp mặc dù tổng công suất chế biến đã được đầu tư nâng từ 150.000 tấn lên gần 300.000 tấn/năm. 

* Hiệp hội đã đề ra những giải pháp gì để thúc đẩy ngành trái cây trong nước?

Có thể xây dựng một số vùng rau quả đặc sản như: dứa là sản phẩm chủ lực ở Kiên Giang, Tiền Giang, Ninh Bình, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Gia Lai; thanh long (Bình Thuận); vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương); xoài (Tiền Giang, Đồng Tháp); vú sữa (Vĩnh Kim - Tiền Giang); măng cụt (Bến Tre, Bình Dương); bưởi 5 roi, bưởi da xanh (Vĩnh Long, Bến Tre)…”.

- Đầu tiên phải xác định, quy hoạch vùng sản xuất và chủng loại trái cây đặc sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Sau đó, tổ chức sản xuất tập trung, tạo nguồn hàng lớn và ổn định, có giá thành thấp và chất lượng, có điều kiện áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi thấy có thể xây dựng một số vùng rau quả đặc sản như: dứa là sản phẩm chủ lực ở Kiên Giang, Tiền Giang, Ninh Bình, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Gia Lai; thanh long (Bình Thuận); vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương); xoài (Tiền Giang, Đồng Tháp); vú sữa (Vĩnh Kim - Tiền Giang); măng cụt (Bến Tre, Bình Dương); bưởi 5 roi, bưởi da xanh (Vĩnh Long, Bến Tre)...

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện, nâng cao các giống tiêu biểu của từng chủng loại quả đặc sản của từng vùng. Lai tạo, quản lý và ứng dụng các giống mới. Mạnh dạn mua công nghệ và thiết bị xử lý ruồi đục quả, thiết bị phân tích dư lượng thuốc sâu.

* Các giải pháp về thúc đẩy xuất khẩu như thế nào, thưa ông?

- Khi mua hàng, người mua đòi hỏi giá cả cạnh tranh, chất lượng hợp lý. Rõ ràng chúng ta phải chấp nhận đối mặt với cạnh tranh khi xu thế hội nhập kinh tế thế giới ngày càng đến gần. Vấn đề đặt ra là làm thế nào nâng cao được năng lực cạnh tranh, ngay trên thị trường của chính mình và trong xuất khẩu. Kinh nghiệm các nước cho thấy muốn cạnh tranh tốt để xuất khẩu tất yếu phải cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu phải dựa vào thị trường nội địa. Ngoài ra phải xây dựng quan hệ sản xuất - tiêu thụ phù hợp. “Anh nói tôi mua thấp, tôi nói anh bán cao”, nghịch lý này thường xảy ra trong thực tế vì đến nay chúng ta vẫn hay lấy giá thị trường nội địa để làm chuẩn. Sắp tới phải cạnh tranh khi hội nhập, rõ ràng “chuẩn” để so sánh không thể là như bây giờ được. Phải xây dựng quan hệ sản xuất - tiêu thụ phù hợp trên cơ sở tạo thế mạnh cạnh tranh và cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro giữa doanh nghiệp và nhà vườn.

* Giải pháp đã có nhưng tại sao đến nay tình hình sản xuất cây ăn trái vẫn chưa chuyển biến nhiều? 

- Chỉ riêng Hiệp hội nỗ lực thì cũng không thể giải quyết hết mọi vấn đề mà phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Chính phủ cần phải tạo điều kiện thuận lợi tổ chức sản xuất rau quả tập trung, tạo nguồn cung cấp lớn và ổn định, có điều kiện áp dụng và kiểm soát bảo vệ thực vật cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần có những chính sách hỗ trợ thích đáng về khuyến khích xuất khẩu, vốn vay, thuế, cước phí vận tải, chứng nhận quy trình quản lý chất lượng... Củng cố và phát huy tác dụng của các kho bảo quản, kho trung chuyển và các chợ đầu mối... Có biện pháp chế tài hiệu quả hơn để thực thi hợp đồng thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với người trồng.

Nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất!

Để không còn tình trạng trái cây ế ẩm, được mùa mất giá, theo TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thì phải quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Cụ thể là phải có một nhạc trưởng cấp vùng hoặc cấp bộ để làm nhiệm vụ điều phối, quy hoạch sản lượng bao nhiêu, loại gì, vùng nào và các địa phương sẽ sản xuất theo nhu cầu đó. Không chỉ tập hợp nông dân lại mà ngay cả các vùng miền cũng cần có sự phối hợp. Nếu không thì tình trạng bấp bênh sẽ còn tiếp tục, nông dân khổ và cán bộ kỹ thuật gần dân cũng khổ lây.

Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực này đang tồn tại nhiều bất cập như Báo Thanh Niên đã phản ánh. Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được những bất cập này bằng việc triển khai đồng loạt các chính sách về giống, quy hoạch gắn với dự báo thị trường, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap. Chúng ta đã có chiến lược giống, đã có quy trình VietGap, quy hoạch cây ăn trái... nhưng giữa chính sách và thực tế sản xuất kinh doanh hiện còn khoảng cách không nhỏ. Khoảng cách này chỉ được rút ngắn và san lấp khi các bộ ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân gắn kết với nhau một cách chặt chẽ.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)

Quang Duẩn (ghi)

Về việc lai tạo giống mới, theo ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang: “Đó là trách nhiệm của các trường và viện thuộc Bộ NN-PTNT. Nếu có giống mới, chúng tôi sẽ nhập về tổ chức sản xuất và cung ứng ra dân”. Về tình trạng nông dân gặp phải giống cây kém chất lượng, ông Hóa khuyến cáo bà con nên lựa chọn mua giống cây ở những cơ sở đáng tin cậy. “Chẳng hạn, ngoài trung tâm giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, các sở NN-PTNT tại khu vực này đều có trung tâm giống có đăng ký rạch ròi, nhưng người dân lại không mua. Vì muốn giá rẻ, bà con mua giống trôi nổi nên gặp giống kém chất lượng”, ông Hóa nói.

Tuy nhiên, mua giống tại các cơ sở “có đăng ký rạch ròi” cũng chưa chắc an toàn. Anh Đồng Hữu Tế Thế, nhà ở ngoại ô TP Mỹ Tho, kể: “Khi mới ra riêng, được gia đình cho miếng đất hơn 500m2, tôi liền tới Trung tâm giống nông nghiệp của tỉnh mua 10 cây xoài cát chu về trồng. Mặc dù mỗi cây xoài đều có đeo bảng “họ tên” đàng hoàng, nhưng rồi duy nhất chỉ có một cây ra trái, lại giống như xoài tượng chớ không phải xoài cát chu. Dù rất tiếc công chăm sóc, nhưng năm ngoái tôi đành phải đốn bỏ”.

Bi hài hơn là trường hợp anh Nguyễn Tấn Hiện ở xã Nhơn Thạnh, thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Năm 2005, anh cùng người anh ruột được tập huấn kỹ thuật và cấp cây giống để trồng 0,7 ha bưởi da xanh. Mặc dù cây giống được gắn tem của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhưng khi cho trái thì không phải bưởi da xanh mà giống như là bưởi Năm Roi! “Chẳng những vỏ rất dày, bưởi này có vị rất nhạt, khô nước, có trái còn bị đắng, không thể tiêu thụ được nên phải bán rẻ cho các cơ sở làm nem và nấu chè bưởi! Thậm chí, đợt trái hồi đầu năm, đến giờ còn chừng 500 trái không bán được, rụng đầy vườn. Sau khi khiếu nại, đơn vị cung ứng giống đã cử “bác sĩ cây trồng” tới xem xét rồi nhận định là do... canh tác không đúng kỹ thuật và khuyên ráng chờ chừng... 7 - 8 năm thì bưởi sẽ cho trái mỏng vỏ! Bực mình, tôi đã đốn bỏ trồng cây khác rồi”, anh Hiện bức xúc.

Để ngành công nghiệp trái cây phát triển mạnh, nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất theo quy trình được thế giới chấp nhận. Theo TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: “Chúng ta còn “bí” ở khâu tổ chức, ứng dụng. Chẳng hạn Bộ NN-PTNT đã có quy hoạch cụ thể cho từng vùng và từng loại trái cây ở đâu, bao nhiêu, nhưng trên thực tế vẫn chưa có vì các tỉnh chưa triển khai thực hiện. Đây là trách nhiệm thuộc về các tỉnh vì muốn triển khai được thì phải có cơ chế, chính sách và ngân hàng phải cho nông dân vay tiền". Ông Châu đề nghị, phải tập hợp nông dân lại thông qua mô hình hợp tác xã. Bởi xu hướng tiêu thụ của thế giới bây giờ không chỉ là an toàn mà phải có chất lượng ngon và giá rẻ. Mà muốn có giá rẻ thì phải trồng theo quy mô và đúng quy trình kỹ thuật để có năng suất cao. Thông qua hợp tác xã thì đường đi của trái cây sẽ ngắn hơn, giá sẽ rẻ hơn vì bớt khâu trung gian.

Hoàng Phương

Quang Thuần
(thực hiện)

(Theo Thanh Niên)



Báo cáo phân tích thị trường