Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi cá chiên ở lòng hồ sông Ðà
22 | 07 | 2009
Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân vùng lòng hồ sông Ðà gặp khó khăn trong việc nuôi cá lồng thậm chí phải bỏ nghề vì cá bị chết, bệnh. Thế nhưng anh Vũ Thanh Quý ở tổ Bãi Sang, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) thì không chịu bó tay và từ trong thất bại, khó khăn anh đã tìm ra một hướng đi mới đó là nuôi cá chiên trong lồng, thu được những kết quả bước đầu đáng mừng.
 

Anh Quý kiểm tra sự phát triển của cá chiên
trong lồng.

Vào cuối năm 2007, khi anh Quý đang làm công trình đường liên xã Tân Mai - Tân Dân ở huyện Mai Châu thì cơn bão số 5 ập đến. Không kịp trở tay, hàng chục km đường bị hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hai chiếc máy, khối tài sản lớn của anh Quý đang thi công cũng bị cuốn trôi theo dòng sông Ðà. Từ một ông chủ thầu xây dựng bỗng chốc trở thành người tay trắng. Anh đành bỏ nghề về nhà với vợ con nuôi cá trên lòng  hồ. Nhưng nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Ðà khi ấy cũng đang gặp khó khăn. Cá thường xuyên bị bệnh chết hàng loạt. Nhiều hộ gia đình nuôi cá bị thua lỗ nên bỏ lồng. Ông Bùi Ðình Thảo - Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn cho biết: Chỉ riêng khu vực xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, đến năm 2008 số hộ dân nuôi cá lồng trong xã giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 20 lồng. Nguyên nhân là do nước sông Ðà thường xuyên lên xuống, nhất là vào mùa mưa lũ nước bị đục nên cá thường mắc bệnh chết. Một trong những bệnh mà cá ở vùng lòng hồ hay mắc là bệnh xuất huyết đốm đỏ, mốc vảy và bị hỏng đường ruột rồi chết dần. Bệnh này rất khó chữa do điều kiện sống trên hồ diện tích lớn. Nhiều gia đình cũng "ngán ngẩm" nghề nuôi cá trên lồng.

Và gia đình anh Quý cũng trong tình trạng như vậy. Thế rồi, trong một lần rỗi rãi không có việc làm, anh lên Ðiểm bưu điện văn hóa xã đọc báo anh thấy có bài hướng dẫn cách nuôi cá chiên. Ðây là giống cá quý hiếm, khỏe mạnh thích nghi với điều kiện sống trong vùng lòng hồ và có giá trị kinh tế cao gấp năm đến sáu lần cá trắm mà gia đình anh vẫn nuôi. Ðể có vốn mua giống và đầu tư thêm lồng anh Quý bàn với vợ dùng ngôi nhà làm tài sản thế chấp cho ngân hàng vay 40 triệu đồng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc nuôi cá lồng, đến đầu tháng 4-2008 anh Quý cất công vào tận Thanh Hóa để mua 30 kg cá giống với giá 90 nghìn đồng/kg của một người quen. 

 Từ những kiến thức đã học được qua sách báo cộng với kinh nghiệm của bản thân nên anh Quý rất thận trọng trong việc nuôi cá chiên. Khi cá mới đem về anh không thả trực tiếp xuống lồng lớn như trước đây mà nuôi trong ô lưới nhỏ để cá thích nghi dần với môi trường rồi mới tháo bỏ lưới, thả cá vào lồng. Khi cho cá ăn, anh Quý bỏ thức ăn vào rọ để cá rỉa ăn dần thay cho việc thả thức ăn trực tiếp xuống lồng. Sau khi cá ăn xong, anh Quý kéo rọ lên đổ bỏ thức ăn thừa để giữ vệ sinh trong lồng. Một trong những khó khăn nuôi cá lồng trên vùng hồ là mức nước trong lòng hồ sông Ðà vào mùa mưa lũ thường bị đục, nhiều tạp chất làm cho cá dễ bị chết do nhiễm bệnh. Trước đây có con cá trắm nặng đến 6 kg vẫn bị chết. Theo anh Quý, muốn khắc phục tình trạng này là phải thường xuyên theo dõi mực nước để  nước điều chỉnh nồng độ cao thấp của lồng tương ứng với mực nước trong hồ. Ðồng thời phải vớt hết rác bẩn bám chung quanh lồng. Hôm nào trời nắng nóng thì lấy nước ở bên ngoài đổ vào lồng giống như kiểu thay nước cho cá, làm giảm nhiệt độ trong lồng để cá không bị nóng. Mặt khác, qua đọc báo và quan sát anh Quý nhận thấy cá chiên rất lười bơi, ít vận động nên nước trong lồng thường xuyên thiếu ô-xy. Nghĩ vậy nên anh nuôi thêm mấy con cá trắm và rô phi đơn tính góp phần tăng lượng ô-xy cho lồng cá. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và dụng công trong việc nuôi cá nên đàn cá chiên của anh Quý đã "trụ" qua mùa lũ năm 2008 và phát triển tốt.

Bắt cho tôi xem mấy con cá, anh Quý cho biết: Hồi đầu tháng 4 vừa qua, có một số nhà hàng ở TP Hòa Bình nghe tin tôi nuôi cá chiên thành công đã tìm lên hỏi mua cá. Họ năn nỉ mãi, tôi tạm bán thử 50 con và thu về được 20 triệu đồng. Trọng lượng bình quân đạt 2 kg/con với giá 200 nghìn đồng/kg. Nếu trọng lượng đạt 3 kg/con thì giá tăng gấp rưỡi. Hiện trong lồng của anh Quý có hơn 500 con cá chiên nếu thu hoạch ngay sẽ được hơn 200 triệu đồng. Ðây là số tiền mà nhiều người dân vùng lòng hồ sông Ðà "nằm mơ" cũng không thể tin được. Thấy anh Quý nuôi cá chiên thành công, nhiều gia đình ở tổ Bãi Sang cũng đóng lồng, mua giống về nuôi; trong đó có hai anh Nguyễn Ðình Chiến, Bùi Văn Kế đã từng thất bại trong việc nuôi cá chiên. Mỗi người mua 90 kg giống về nuôi và đều được anh Quý tận tình hướng dẫn kỹ thuật.

Ông Phạm Ngọc Nhâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu cho biết: Cá chiên là một trong bốn giống cá quý hiếm ở vùng nước ngọt, khó nuôi. Việc anh Quý nuôi thành công cá chiên trên lòng hồ sông Ðà, sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây. Vùng lòng hồ sông Ðà có mặt nước rộng, nguồn nước sạch là có tiềm năng cho phát triển kinh tế bằng nuôi cá lồng. Tới đây chúng tôi sẽ tiến hành tổng kết mô hình nuôi cá lồng của anh Quý để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm cho hộ dân trong khu vực học tập, làm theo. Ðây là mô hình mẫu mở ra hướng phát triển kinh tế mới để người dân vùng lòng hồ sông Ðà thoát khỏi đói nghèo.

(Theo Nhân Dân)

 



Báo cáo phân tích thị trường