Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục lây lan rộng
22 | 07 | 2009
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 21/7, ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Đã có thêm tỉnh Yên Bái có dịch lở mồm long móng và tỉnh Quảng Nam có dịch tai xanh trên lợn trong hai tuần qua.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các tỉnh này tập trung lực lượng bao vây dập tắt ổ dịch, đồng thời yêu cầu Cơ quan Thú y vùng IV, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam tìm hiểu, báo cáo nguyên nhân vì sao dịch tai xanh xảy ra liên tiếp, kéo dài trong 3 năm gần đây tại tỉnh này.

Theo báo cáo của Cục Thú y, dịch tai xanh trên lợn tại Quảng Nam xảy ra vào ngày 14/7, và đến ngày 19/7 dịch đã lan ra 3 xã (Bình Đào, Bình Hải, Duy Phước) và thị trấn Thái Nghĩa (huyện Đại Lộc) làm 395 con lợn mắc bệnh. Chi cục Thú y tỉnh đã tiêu huỷ số lợn mắc bệnh nêu trên. Hiện cả nước có 2 tỉnh là Đắc Lắc, Quảng Nam có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.

Trong khi đó, tại tỉnh Yên Bái, 3 xã phát hiện có dịch lở mồm long móng là: Phù Nham, Sơn Lương, Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn) với tổng số 9 trâu, bò mắc bệnh. Đàn trâu, bò này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm Hường thu mua gom và bàn giao cho 14 xã, thị trấn thuộc dự án của huyện Văn Chấn. Cục Thú y sẽ thành lập đoàn công tác để điều tra nguyên nhân phát sinh ổ dịch. Hiện cả nước còn Kon Tum và Yên Bái có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Đối với dịch cúm gia cầm, trong hai tuần qua cả nước không phát sinh thêm ổ dịch mới, chỉ còn Quảng Ninh có dịch chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Thú y, mặc dù xảy ra nhỏ lẻ nhưng qua kết quả giám sát trong thời gian gần đây cho thấy vi rút cúm gia cầm lưu hành với tỷ lệ khá cao ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, khả năng miễn dịch của đàn gia cầm giảm do tiêm phòng ở nhiều nơi đạt tỷ lệ thấp nên nguy cơ tái phát dịch trong những tháng tới là rất cao.



Tuấn Linh/Theo FISU
Báo cáo phân tích thị trường