Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mạnh tay với phân bón giả
25 | 07 | 2009
Phân bón giả, kém chất lượng hoành hành liên tiếp mấy năm nay, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Các quy định xử phạt mới sắp ban hành đang đem lại hy vọng có thể làm chùn tay các doanh nghiệp vi phạm.
Theo số liệu báo cáo 6 tháng của các tỉnh phía Nam, trong tổng số 270 mẫu kiểm tra sản phẩm phân bón lưu hành trên thị trường có đến 110 số mẫu không đạt chất lượng như công bố. Con số này giảm 7% so với năm 2008, tuy nhiên chất lượng phân bón thì lại đang ở mức đáng lo ngại. Kết quả kiểm tra cho thấy có đến 40,7% sản phẩm phân bón thiếu hàm lượng chất dinh dưỡng. Cụ thể, kiểm tra tại tỉnh Vĩnh Long có 37,3% mẫu phân bón kém chất lượng, Tiền Giang có 48,27% số mẫu, Long An: 55,5%, An Giang: 63,6%... Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), vẫn còn nhiều nhà sản xuất không chấp hành tốt các quy định pháp luật, cố tình đưa ra thị trường nhiều mặt hàng kém chất lượng, ngoài danh mục được phép lưu hành, thậm chí có sản phẩm phân bón có các chỉ tiêu dinh dưỡng giảm tới 80%.

Cục Trồng trọt đã công bố những loại phân bón, DN vi phạm, gồm: sản phẩm phân hữu cơ sinh học “Trâu vàng số 1” của Công ty cổ phần Thiên Minh (Hậu Giang) thiếu 67% hàm lượng đạm, thiếu 70% hàm lượng lân và 20% kali; sản phẩm phân bón lá “Mai vàng siêu to hạt” của Công ty phân bón Chấn Hưng thiếu đạm 78,7%, thiếu kali 73,66%; sản phẩm “Numax 10%” của Công ty TNHH Nông Duyên thiếu đạm 52%, thiếu lân 56,5%, thiếu kali 55,5%. Nghiêm trọng hơn, sản phẩm Kali Nitrate của Công ty TNHH Vân Nguyên thiếu đạm đến 82,3%, thiếu kali 89,56%; sản phẩm Super lân 10 của Cơ sở sản xuất Kiều Mỹ (Trà Vinh) thiếu đến 99,68% hàm lượng chất dinh dưỡng công bố; sản phẩm phân bón NPK của Công ty TNHH Việt Hoa (Đồng Tháp) thiếu 71,8% hàm lượng đạm, 81,7% hàm lượng lân và 99,5% hàm lượng kali...

Quanh đi quẩn lại, nguyên nhân kéo dài tình trạng này đã được các cơ quan chức năng phân tích nhiều lần, kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa có một biện pháp thật sự hữu hiệu để khắc phục. Theo ông Phan Huy Thông - Cục phó Cục Trồng trọt - do các quy định xử lý vi phạm hiện hành không đủ hiệu quả răn đe nên hầu hết DN vi phạm chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục đưa ra thị trường phân bón kém chất lượng, việc bắt buộc tái chế đối với các sản phẩm này là rất khó thực hiện và không khả thi. Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau kiến nghị: “Hiện nay cơ quan chức năng khi thu giữ các lô hàng vi phạm thường phải tốn nhiều chi phí lưu kho, phí tiêu hủy rất lớn, bình quân từ 50-100 triệu đồng/tấn. Các quy định xử phạt cần bổ sung thêm buộc DN vi phạm phải chịu chi phí này, nếu không thì chẳng khác nào cơ quan quản lý tự làm khó mình”. Ông Nguyễn Văn Đức - Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long -góp ý: “Quy trình kiểm tra hiện nay của các lực lượng chuyên ngành thường rất chồng chéo. Muốn xử lý nghiêm thì quá trình lấy mẫu xét nghiệm phải thực hiện chính xác. Cơ quan nào sẽ đảm nhận chính chuyện này? Tôi đi kiểm tra cũng bắt gặp trường hợp DN sản xuất phân bón kém chất lượng, nhưng họ nói rằng hàng này chỉ để xuất khẩu. Nhưng họ có xuất khẩu hay không thì chúng tôi không quản lý được, luật cũng không quy định nên rất khó xử lý”. Theo Cục Trồng trọt, một số giải pháp cấp bách trước mắt là phải tăng cường nhân sự, đầu tư kinh phí, phương tiện cho công tác kiểm tra, phân tích mẫu; kiểm soát chặt chất lượng đối với từng lô hàng phân bón trước khi xuất xưởng đưa vào lưu thông; đề xuất đưa phân bón vào ngành sản xuất có điều kiện, phải được kiểm tra, thẩm định năng lực trước khi cấp giấy phép hoạt động...

Ngày 24.7, Cục Trồng trọt đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón để trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó mức xử phạt được tăng lên gấp nhiều lần. Cụ thể: Phạt tiền bằng giá trị lô hàng đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón không đạt tiêu chuẩn công bố đối với lô hàng có giá trị đến 100 triệu đồng; phạt tiền gấp 2-3 lần giá trị lô hàng đối với tổ chức cá nhân kinh doanh lô hàng phân bón kém chất lượng có giá trị từ 100-500 triệu đồng; phạt tiền gấp 4-5 lần giá trị lô hàng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có lô hàng vi phạm có giá trị trên 500 triệu đồng... Mức phạt đối với hành vi kinh doanh phân bón giả cũng được nâng lên từ 2 triệu - 100 triệu tùy giá trị lô hàng vi phạm. Ngoài ra còn các hình phạt bổ sung như đình chỉ kinh doanh, buộc tiêu hủy hàng giả không có giá trị sử dụng...         

Quang Thuần

(thanhnien.com.vn)



Báo cáo phân tích thị trường