Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VASEP đồng lòng nói không với tôm tạp chất
30 | 07 | 2009
44 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thống nhất: Từ 0 giờ ngày 4/8/2009 đồng loạt treo bảng “Nói không với tôm tạp chất” tại xí nghiệp chế biến.

Ngày 29/7, tại Cà Mau, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương chủ trì hội nghị bàn về vấn đề tiêm chích tạp chất vào tôm.

Một vụ bắt tôm chứa tạp chất ở Bạc Liêu - Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Nạn nhân là đồng phạm

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, phát hiện hàng trăm vụ tiêm chích, vận chuyển, mua bán tôm sú chứa tạp chất. Mới đây, tỉnh Bạc Liêu phát hiện vụ vận chuyển hơn 10 tấn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất. Tình hình đã rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ.

“Hội đồng Giám sát Nói không với tôm tạp chất” cũng được thành lập, gồm 11 người do ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, làm chủ tịch.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, nói:

“Chúng ta ngồi với nhau không biết bao nhiêu lần, bàn rất nhiều biện pháp, huy động nhiều lực lượng để ngăn chặn tình trạng tiêm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Kết quả nạn tiêm chích có giảm trong một thời gian ngắn, sau đó, lại tăng”.

Ông Võ Ngọc Quý, Tổng giám đốc Cty TNHH Kim Anh (Sóc Trăng), cảnh báo: “Nguy cơ thị trường bị thu hẹp đã cận kề”.

Thế nhưng, ông Ngô Văn Nga, Tổng Giám đốc Cty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt (Cà Mau) lại nói: “Thực trạng tiêm chích tạp chất thời gian qua, doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm. Nếu các doanh nghiệp không mua tôm tạp chất và tố giác kịp thời với cơ quan quản lý thì sẽ không có tôm chứa tạp chất”.

Một lý do khác, tôm chứa tạp chất sau khi bị phát hiện, thu giữ đã được phát mãi cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Như thế, các cơ quan chức năng được bán tôm chứa tạp chất và doanh nghiệp mua tôm chứa tạp chất từ các cơ quan chức năng được tự do vận chuyển, chế biến. Vậy làm sao cấm những người khác có hành vi tương tự, nếu luật pháp là nghiêm minh?

Phải kiên quyết

Trước đó, các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký kết hợp tác chống tiêm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Cà Mau, nói: “Vùng ĐBSCL có tổng diện tích nuôi tôm 560.000 ha, cung cấp trên 313.000 tấn tôm nguyên liệu, xuất khẩu 1,5 tỷ USD. Chúng tôi phải liên kết kiểm tra, giám sát, xử lý, để bảo vệ một sản phẩm chiến lược”.

Các doanh nghiệp đề nghị chính quyền có biện pháp kiên quyết với tôm tạp chất. Ông Nguyễn Thanh Bế, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bạc Liêu, đồng tình nói: “Tôi đề nghị, bắt được tôm nguyên liệu chứa tạp chất là tiêu hủy”.

Cũng yêu cầu các doanh nghiệp mua, chế biến và xuất khẩu tôm cũng có trách nhiệm. Thứ trưởng Lương Lê Phương nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất là tự cứu mình, giữ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với hàng triệu người nuôi tôm”.

44 doanh nghiệp của VASEP, lần đầu tiên, thống nhất ra tuyên bố: “Nói không với bơm chích tạp chất”. Các doanh nghiệp này thể hiện thái độ kiên quyết bằng hành động cụ thể: Lúc 0 giờ ngày 5/8/2009, đồng loạt treo bảng “Nói không với tôm tạp chất” ngay tại xí nghiệp chế biến.

 Nguyễn Tiến Hưng

(Theo Tiền Phong)



Báo cáo phân tích thị trường