Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các DN sữa đẩy chi phí quảng cáo cho người tiêu dùng
01 | 08 | 2009
Các DN "đẩy" chi phí quảng cáo sữa quá mức về phía NTD, khiến NTD phải gánh chịu mức giá sữa “cao nhất thế giới”. TS.Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đưa ra nhận định trên tại Hội thảo chuyên đề “Người tiêu dùng chọn sữa thông minh” do Vinastas tổ chức ngày 31/7 tại Đà Nẵng.

Giá sữa vẫn là nghịch lý

Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt các nghịch lý về giá sữa, trong khi giá sữa nguyên liệu và thuế nhập khẩu giảm, nhưng giá sản phẩm sữa trong nước lại tăng. Bên cạnh đó, một nghịch lý đã diễn ra là giá sữa ngoại lại đắt hơn giá sữa nội từ 2-3 lần đến mức giá sữa tại Việt Nam cao nhất thế giới.

Theo TS Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Vinastas, cho biết: “Người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng các sản phẩm sữa với mức giá bất hợp lý đến khó tưởng, trung bình lên đến 1,4 USD/lít, cao gấp gần 3 lần so với các nước Âu Mỹ (0,5-0,9 USD/lít).

Mẹ biết mua sữa nào cho con
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa kiểm soát được giá sữa trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp đẩy chi phí quảng cáo quá mức này về phía người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải gánh chịu mức giá sữa “cao nhất thế giới”.

Bên cạnh đó, do tâm lý chuộng sữa ngoại, không tin tưởng đối với sản phẩm nội địa càng làm cho sữa ngoại có môi trường phát triển, khiến giá sữa nhập khẩu tăng quá mức như trong thời gian qua”. Theo các chuyên gia nhận định, một nguyên nhân căn bản nữa khiến giá sữa tại Việt Nam cao nhất thế giới là do người tiêu dùng Việt Nam đang ở thế yếu, phản ứng bị động đối với thông tin cũng như thị trường sữa. Trong khi các quảng cáo với mật độ dày đặc của sữa ngoại thì những sai phạm đối với sản phẩm trong nước bị phát hiện khiến người tiêu dùng mất phương hướng, đành chấp nhận với mức giá sữa “cao nhất thế giới” với mong muốn được an toàn.

“Chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát thông tin cũng như kiểm chứng tính xác thực của các thông tin quảng cáo về sản phẩm sữa. Người tiêu dùng trong nước đang bị tác động mạnh mẽ bởi sự tràn ngập của các thông tin quảng cáo cũng như “hệ thống” các sản phẩm sữa. Nên không còn cách nào khác, người tiêu dùng cần có ý thức tự vệ trước những sản phẩm sữa đang có mặt trên thị trường”, TS. Hồ Tất Thắng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Phan Thế Thắng, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết: Đi tìm lời giải cho thị trường sữa Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc điều tra, nghiên cứu đối với thực trạng này.

Mặc dù nghiên cứu không mang tính đại diện cho toàn bộ thị trường sữa do chưa tính đến hết các yếu tố khác, nhưng qua khảo sát đối với sản phẩm sữa bột nguyên hộp nhập khẩu thì người tiêu dùng Việt Nam đang ở trong “mê cung” sữa với hàng loạt các dòng sản phẩm sữa với các mức giá khác nhau. Nó nhiều đến mức, người tiêu dùng không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chất lượng các loại sản phẩm sữa và kể cả về giá.

Giá sữa cao gấp 1,5 lần so với sản phẩm cùng loại ở các nước trong khu vực

Số liệu báo cáo tại Hội thảo này cho thấy, có hơn 80% các sản phẩm sữa hộp nhập khẩu vào Việt Nam có giá cao hơn 25-30% so với các nước trong khu vực, đặc biệt có loại cao hơn đến 150% so với các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan,…

Có hơn 80% các sản phẩm sữa hộp nhập khẩu vào Việt Nam có giá cao hơn 25-30% so với các nước trong khu vực, đặc biệt có loại cao hơn đến 150% so với các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

TS Hồ Tất Thắng dẫn chứng: Nestle NAN HA1Pro có giá cao hơn Malaysia đến trên 65%; Friso cao hơn 50-60%, thậm chí có cửa hàng cao hơn đến 80% so với các quốc gia lân cận; Dumex Dupro 1,2,3 cao hơn Thái Lan Malaysia, Indonesia đến 100%… Hay sữa Enfagrow có đến hàng chục dòng sản phẩm khiến người tiêu dùng khó phân biệt được sự khác biệt về sản phẩm cũng như về giá. "Có thể nói rằng, với mức giá như vậy, giá sữa tại Việt Nam đang thuộc loại cao nhất thế giới”, ông Thắng khẳng định.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam lại cho rằng, việc xảy ra những trường hợp khiếu kiện đối với chất lượng sản phẩm trong nước không đảm bảo trong thời gia qua là do công tác bán hàng của kênh phân phố truyền thống tại các vỉa hè, các chợ… không đảm bảo điều kiện bảo quản riêng đối với sản phẩm sữa chứ không phải do chất lượng hàng nội không tốt.

Để có thể mua được sản phẩm đúng với nhu cầu, người tiêu dùng không nên chọn mua sản phẩm tại hệ thống này nếu các điều kiện bảo quản không đảm bảo. "Còn vấn đề kiểm soát tình hình giá sữa tại Việt Nam thật sự không quá khó. Chúng ta chỉ cần đến cái gốc của vấn đề thị trường sữa Việt Nam, đánh giá thực trạng cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường. Đồng thời, cần làm rõ các vấn đề, ai là người nhập khẩu, nhập như thế nào, số lượng và các mức giá ra sao trong tổng thể thị trường, chúng ta sẽ có câu trả lời cho tình hình hiện nay. Với tư cách Hiệp hội, chúng tôi sẵn sàng hợp tác và chia sẻ với người tiêu dùng”, bà Loan khẳng định.



Theo VTC
Báo cáo phân tích thị trường