>>> Tin liên quan đọc nhiều:
* Phỏng vấn chuyên gia: Giá cá tra sẽ tăng trong thời gian tới
* Hội thảo ngành Thuỷ sản: Đối phó với rào cản thị trường
* Công bố Báo cáo Ngành Thuỷ sản Việt Nam quý II/2009
Trăm cái khó đổ dồn
Thạc sĩ Trần Ngọc Yến, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn - AGROINFO cho biết: “Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản sụt giảm khá mạnh. So với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu phi lê cá 6 tháng đầu năm nay giảm tới 8,6%; tôm, cua giảm 7,6%. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 của ngành thủy sản giảm 8,1%”.
Phân tích của AGROINFO cũng cho thấy, xuất khẩu thủy sản 7 tháng qua đã có sự thay đổi rõ rệt, ở nhiều thị trường lớn như Nga, Italy, Hà Lan… đều giảm lượng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam, chỉ có 2 thị trường tăng là Mỹ 16% và Trung Quốc 79%. Mặt hàng cá tra, basa dù vẫn giữ được vị trí số 1 trong xuất khẩu ngành thủy sản (600,8 triệu USD), nhưng đã giảm tới 3% về kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường bởi những hàng rào thuế quan và thương mại. Như chương trình phản đối các sản phẩm cá tra, cá ba sa tại Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Ai Cập, Pháp... Con cá tra của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn ở thị trường Mỹ với việc bị áp thuế chống bán phá giá. Và từ ngày 1/1/2009, EU cũng đã áp dụng Luật IUU đối với các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam. Luật này buộc các doanh nghiệp phải có chứng nhận vùng biển và tên tàu khai thác hải sản mới được đưa hàng vào thị trường EU. Thị trường Nga có tiềm năng lớn trong tiêu thụ cá tra đã mở cửa trở lại vào giữa tháng 5/2009 cũng tạo nhiều thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu cá tra, nhưng hàng rào bảo hộ thuế của nước này còn cao khiến cho các mặt hàng thuỷ sản của nước ta gặp khó khăn khi thâm nhập vào thị trường này.
Lợi nhuận cho người nuôi
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp liên quan để đối phó với những rào cản thuế quan và thương mại. Việc thành lập Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long mới đây là một động thái cụ thể. Một kế hoạch lập mã số, mã vạch cho cá tra cũng đang được xúc tiến, để nâng cao giá trị con cá tra. Còn theo các chuyên gia, cách khôn ngoan nhất trong thời điểm hiện nay là các doanh nghiệp nên cầm cự, đồng thời chuẩn bị các nguồn lực tốt để đón đầu cơ hội sau khủng hoảng. Tuy nhiên, một vấn đề đang làm đau đầu các nhà phân tích cũng như doanh nghiệp là giải bài toán tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủy, hải sản. Hiện nay, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu vẫn là các mặt hàng tươi sống như phi lê cá tra, basa, tôm, cua tươi sống, mực, bạch tuộc…
Theo một nghiên cứu gần đây, chi phí sản xuất cá hồi đang có xu hướng giảm cùng với giá xuất khẩu giảm, nhưng ngược lại với các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam, giá xuất khẩu giảm nhưng chi phí đầu vào vẫn tăng.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Minh Mân, Giám đốc kinh doanh thủy sản Công ty Cargill chia sẻ: “Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp không nên nóng vội tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến trong cơ cấu hàng xuất khẩu, bởi việc này vừa tốn tiền của, thời gian, vừa phải đối mặt với nhiều rủi ro. Thay vào đó, nên nỗ lực giữ các thị trường hiện có bằng cách tận dụng tối đa ưu thế của doanh nghiệp”. Cũng theo ông Mân, các doanh nghiệp cần quan tâm đến vai trò và lợi nhuận của người nuôi trong chuỗi giá trị thuỷ sản. “Hiện tại, vai trò của người nông dân, người cung cấp thức ăn, nhà máy chế biến không công bằng. Người nông dân có thể lỗ nhưng trên thực tế doanh nghiệp chế biến chưa chắc đã lỗ như một số lời kêu ca gần đây. Theo tính toán thì các doanh nghiệp chế biến được hưởng 60% lợi ích giá trị trong khi người nuôi trồng chỉ được hưởng 12-15% giá trị thuỷ sản” - ông Mân nói.
Theo Thạc sĩ Trần Ngọc Yến, khảo sát của AGROINFO tại An Giang cho thấy, tại thời điểm này, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2008. Báo động hơn khi 60% diện tích còn lại cũng không đạt 100% công suất. Hệ quả, nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu trầm trọng, các nhà máy chế biến thuỷ sản đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng. Điều này có thể ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong những tháng cuối năm./.
Lê Văn (Báo TNVN)
(Theo VOV News)