Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đối phó với rào cản trên thị trường xuất khẩu thủy sản: Siết chặt quản lý chất lượng
11 | 08 | 2009
Hiện nay, xuất khẩu (XK) thủy sản đang có những dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, mặt hàng này đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là các rào cản thương mại từ phía các thị trường nhập khẩu.

Tìm giải pháp đối phó và phá bỏ rào cản thương mại trong xuất khẩu thủy sản - đó là vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) XK thủy sản đưa ra tại hội thảo do Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là những rào cản trên thị trường thế giới. Trước hết là thị trường bị thu hẹp, nếu như năm 2008 thủy sản Việt Nam có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến nay chỉ còn giữ được khoảng 120 thị trường.

Bà Trần Ngọc Yến, chuyên gia của Agroinfo cho biết, những rào cản từ các thị trường nhập khẩu của Việt Nam đã và đang được dựng lên làm cho hoạt động sản xuất, chế biến và XK mặt hàng này bị ảnh hưởng không nhỏ. Đơn cử như việc các cơ quan truyền thông của Ai Cập và I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp… đã đưa tin không chính xác về chất lượng cá tra, cá basa vừa qua. Mặc dù sau đó đã được chính cơ quan có thẩm quyền của các nước này minh oan nhưng phía Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ta còn tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra và tôm tại Mỹ. Từ ngày 1-1-2010 thủy sản XK vào thị trường EU còn bị áp dụng Luật IUU (sản phẩm thủy sản phải có chứng nhận vùng biển khai thác và tàu khai thác mới được XK) điều này cũng gây ra những khó khăn không nhỏ cho người nuôi trồng cũng như các DN.
Tại hội thảo, đa số các DN đều cho rằng, khó khăn lớn nhất của các DN chế biến, XK thủy sản vẫn là tình trạng thiếu nguyên liệu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đã cạn trong khi Nhà nước chưa có quy hoạch, kế hoạch cụ thể về sản lượng, khu vực, loài, thời gian, phương tiện… được phép khai thác để tái tạo, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Bên cạnh đó, tình trạng giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản quá cao, chiếm tới 60% trong giá nguyên liệu trong khi giá XK không ổn định… khiến cho nông dân treo ao hàng loạt bởi càng nuôi càng lỗ.

Theo các chuyên gia của Agroinfo, giá bán các mặt hàng thủy sản của Việt Nam thường thấp hơn so với các nước do chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, để cải thiện tình hình khó khăn hiện nay, các DN thủy sản nên chọn lựa các quy định tại Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU làm quy chuẩn. Trong quá trình thực hiện, các DN cũng cần phối hợp đồng bộ để bảo đảm sự thống nhất khi triển khai trong thực tế. Theo ông Lê Minh Mân, Giám đốc Công ty Cagirl, để giảm thiểu rủi ro, không còn cách nào khác các DN phải lên phương án sẵn sàng đối đầu với những thông tin mà phía đối tác đưa ra. Tuy nhiên, muốn giành được thế chủ động thì DN cần phải nắm bắt được đặc điểm của từng nước cũng như diễn biến của thị trường nước đó, để đưa ra những giải pháp ứng phó thích hợp mà có lợi nhất. Bên cạnh đó là siết chặt quản lý chất lượng thủy sản ngay từ khâu nuôi trồng, chất lượng thức ăn đến chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nước ta cũng cần có cơ chế khuyến khích thực hiện các mô hình nuôi trồng, chế biến sản phẩm sạch. Đồng thời xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thương mại phục vụ XK, tăng cường chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của hoạt động xúc tiến thương mại cho các DN.

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch XK hàng thủy sản của Việt Nam đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, cá tra và basa là mặt hàng XK đạt kim ngạch cao nhất với khối lượng 206,8 nghìn tấn, trị giá 473,9 triệu USD. Sản lượng khai thác thủy sản của cả nước đạt 1.161 nghìn tấn, bằng 52,8% so với kế hoạch, tăng 7,7% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 1.125 nghìn tấn, bằng 46,8% so với kế hoạch…



Theo HNM
Báo cáo phân tích thị trường