Trong những năm gần đây, năng lực sản xuất và biến sắn của Việt Nam đã có bước tiến bộ đáng kể. Năm 2008 diện tích trồng sắn của nước ta đã tăng mạnh từ 270.000 ha (năm 2005) lên 510.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm ngoái nhưng tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Đáng chú ý là diện tích tăng vượt 135 nghìn ha so với quy hoạch phát triển sắn tới năm 2010. Năng suất những năm vừa qua cũng tăng, mặc dù không nhiều, từ 15,35 tấn/ha năm 2005 (trung bình của thế giới là 12,16 tấn/ha) lên 15,7 tấn/ha năm 2008 nhưng vẫn thấp so với Ấn Độ (31,43 tấn/ha), Thái Lan (21,09 tấn/ha). Sản lượng cả năm 2009 ước đạt 8,1 đến 8,6 triệu tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 0,2 đến 0,4 triệu tấn.
Nhiều nhà máy chế biến sắn ở trong nước cũng được xây dựng. Trên phạm vi cả nước, có khoảng 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn có quy mô công nghiệp với tổng công suất chế biến mỗi năm hơn nửa triệu tấn tinh bột sắn, tương ứng với nhu cầu sử dụng gần 2,5 triệu tấn củ sắn tươi, bằng 30% sản lượng cả nước, tăng gấp đôi số nhà máy và gấp 3 về công suất so với 5 năm trước đây.
Từ đầu năm đến nay, sắn là một trong ít các mặt hàng có khối lượng xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Theo số lượng thống kê sơ bộ trong 7 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xuất khẩu được 2,66 triệu tấn sắn và tinh bột sắn, đạt kim ngạch 408 triệu USD, tăng 4,4 lần về sản lượng và tăng 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ 2008.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng sắn của Việt Nam, chiếm hơn 90% kim ngạch. Tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 5,5%, Đài Loan 2%...
Giá xuất khẩu, mặt hàng sắn đang có xu hướng phục hồi. Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 6 và tháng 7 đạt 175 - 179 USD/tấn, tăng 25 - 29% so với giá xuất khẩu trung bình trong tháng 1 đầu năm 2009.
Nếu trong năm 2008, bình quân giá sắn lát khô là 3.000 đ/kg thì trong những tháng cuối năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, giá chỉ còn 1.500-1.700 đ/kg và hiện tăng lên 1.900-2.100 đ/kg. Hiện tại, giá sắn lát xuất khẩu là 2.800 - 2.900 đ/kg tại cửa khẩu Hữu Nghị và 175 USD/tấn (khoảng 3.180 đ/kg) tại Cảng Sài Gòn.
Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), trong năm 2009, thị trường sắn có nhiều xu hướng trái ngược nhau. Một mặt, sự gia tăng thương mại giữa các nước, các tổ chức và các kế hoạch hỗ trợ người trồng sắn có thể dẫn đến nguồn cung lớn hơn. Nhưng mặt khác, giá ngũ cốc và giá năng lượng thế giới giảm ảnh hưởng đến khả năng duy trì và mở rộng sản xuất. Khủng hoảng tài chính hiện nay cũng ảnh hưởng nhiều đến các kế hoạch trồng mới hay tăng diện tích, đặc biệt là các kế hoạch sản xuất nhiên liệu sinh học. Trước tình hình này, dự báo sản lượng sắn năm 2009 có thể sẽ giảm khoảng 3%, xuống còn khoảng 231 triệu tấn.
Ở Việt Nam, do 2 năm gần đây giá sắn liên tục tăng cao nên nông dân ồ ạt tăng diện tích. Hiện nay diện tích đã vượt cả quy hoạch cho năm 2010. Sản lượng cả năm 2009 ước đạt 8,1 đến 8,6 triệu tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 0,2 đến 0,4 triệu tấn.
Đối với một số thị trường xuất khẩu sắn như Việt Nam, đó là Thái Lan và Campuchia. Sản lượng sắn của Thái Lan năm 2009 đã tăng khoảng 1 triệu tấn ngoài dự kiến. Do nhu cầu giảm trên cả thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu, bao gồm cả Trung Quốc và EU và xuất khẩu sắn của Thái Lan gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá với Việt Nam đã dẫn tới tình trạng dư thừa cung sắn trên thị trường Thái Lan. Trong 5 tháng đầu năm, Thái Lan đã xuất khẩu được 877,2 nghìn tấn tinh bột sắn, tương đương so với cùng kỳ.
Đối với Campuchia, năm 2009, sản lượng sắn của nước này đạt khoảng 2 triệu tấn, xấp xỉ năm. Tuy nhiên, kể từ khi Thái Lan bắt đầu chiến dịch bảo hộ nông trường trồng sắn trong nước vào tháng 1/2009, nhu cầu nhập khẩu sắn tươi của Campuchia từ Thái Lan đã giảm mạnh. Điều này đã dẫn tới tình trạng tồn đọng một lượng lớn sắn tươi không được xử lý. Theo ước tính trong năm nay sẽ có khoảng 900.000 tấn sắn chưa xử lý tại Campuchia bị ứ đọng.
Campuchia có hai nhà máy chế biến từ sắn khô thành bột sắn, một đặt ở ngoại ô Phnôm Pênh và một tại Công-pông Chàm. Mỗi năm, hai nhà máy này có thể sản xuất 1 triệu tấn bột sắn.
Về nhu cầu tiêu thụ sắn tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh, mặc dù nhu cầu cho chăn nuôi giảm nhẹ nhưng nhu cầu cho sản xuất nhiên liệu sinh học lại tăng đã giúp cho tổng tiêu thụ sắn trong năm 2009 nhìn chung vẫn được duy trì. Trong đó, nhu cầu của Trung Quốc để đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế bến nhiên liệu sinh học được dự báo sẽ tăng mạnh.
Những tháng đầu năm 2008 giá sắn trên thị trường thế giới đã tăng rất mạnh. Có thời điểm, giá sắn lát nhập khẩu vào Trung Quốc tăng lên 200 USD/tấn và giá xuất khẩu tinh bột sắn của Thái Lan đạt 440 USD/tấn. Nhưng từ cuối năm 2008, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá sắn đã giảm rất mạnh. Tại Thái Lan, nước xuất khẩu sắn lớn nhất thế giới, vào tháng 2 là thời điểm thu hoạch chính, giá tinh bột sắn đã giảm xuống còn 240 USD/tấn, giảm 40% so với cùng kỳ 2008. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, cùng với sự phục hồi của giá dầu thô và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng mạnh đã giúp giá sắn tăng trở lại. Hiện giá tinh bột sắn tại Thái Lan đã tăng lên 285 USD/tấn, tăng 19% so với tháng 2 nhưng giảm 27% so với cùng kỳ 2008. Nhưng mức giá này vẫn cao hơn khoảng 28% so với mức gái xuất khẩu trung bình trong năm 2006.
Ước tính sản lượng sắn của cả nước năm 2009 đạt khoảng 8,1 - 8,6 triệu tấn. Với tỷ trọng sắn cho xuất khẩu khoảng 48,6%, dùng làm thức ăn gia súc 22,4%, chế biến thủ công 16,8%, chỉ có 12,2% dùng tiêu thụ tươi thì khối lượng cho xuất khẩu năm nay của Việt Nam vào khoảng 4 triệu tấn. 6 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã xuất được 2,4 triệu tấn sắn (trọng đó đã bao gồm một lượng lớn tồn kho của năm 2008 chuyển sang). Với nguồn cung vụ mới được bổ sung vào cuối năm, dự báo cả năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 4,6 - 5 triệu tấn sắn, tương đương khối lượng xuất khẩu 5 tháng cuối năm khoảng 1,8 - 2,3 triệu tấn.
Sự phục hồi của giá dầu và giá nhiều mặt hàng nông, lâm sản khác cùng với nguồn cung được dự báo giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc lại tăng sẽ là những yếu tố giúp nâng đỡ giá sắn xuất khẩu của ViệtNam trong thời gian tới, nhưng mức tăng sẽ không nhiều.
Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sắn trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong tình trạng bị ép giá. Nhiều thị trường tiềm năng mà Việt Nam vẫn chưa khai thác hết như EU. Hiện Thái Lan là nước cung cấp tinh bột sắn hàng đầu cho thị trường EU, chiếm 45% thị phần nhập khẩu. Ngoài Thái Lan, các nước đang phát triển khác chỉ chiếm 2%, trong đó Việt Nam chiếm 1,7% tổng thị phần nhập khẩu tinh bột sắn của EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng hàm lượng chế biến trong sản phẩm xuất khẩu thay vì xuất khẩu sản phẩm thô (sắn lát và sắn củ) như hiện nay.
(Theo Vietrade)