Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ÐT) cho thấy nền kinh tế năm nay tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 8,1%-8,2%, vượt kế hoạch đề ra là 8% và cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của kế hoạch năm năm 2006-2010 là 7,5-8%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2006 ước đạt 390,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP là 40%, tăng 19,8% so với thực hiện năm 2005. Trong đó, nguồn vốn của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm gần một phần ba tổng vốn đầu tư toàn xã hội; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và bổ sung lên đến 9 tỷ USD, thực hiện đạt khoảng 4,1 tỷ USD; nguồn vốn ODA giải ngân cao hơn các năm trước đạt khoảng 1,78 tỷ USD.
Các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp để thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007 như phấn đấu GDP tăng 8,2-8,5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 452 nghìn tỷ đồng, bằng 40% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 45,2 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2006...
Ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân chủ quan, khách quan tạo ra những kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội năm 2006. Năm 2006 là năm nền kinh tế nước ta vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự biến động thất thường của thị trường thế giới về giá nhiên liệu, nguyên liệu... Vì vậy, mức tăng trưởng 8,2% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức cao nhất từ trước đến nay với sự gia tăng về tỷ trọng của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài trong GDP, nhất là sức phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, gia tăng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài...
Thủ tướng cho rằng, năm 2006 còn đạt được tiến bộ nhiều mặt về xã hội, cũng như thành tựu về kinh tế đối ngoại với việc tổ chức thành công Hội nghị APEC 14, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Ðó là tiền đề để cả nước phát huy nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2007.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho răng mức tăng trưởng GDP 8,2% trong năm nay là chưa tương xứng tiềm năng của cả nước. Một trong những nguyên nhân là do sự chỉ đạo thiếu quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, còn do cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính còn rườm rà, một bộ phận cán bộ Nhà nước còn nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân. Nguồn vốn Nhà nước đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí...
Ðể triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2007, Thủ tướng yêu cầu ngành KH và ÐT rà soát, xem xét lại các cơ chế, chính sách, cải tiến các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp... để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch nhằm huy động cao nhất năng lực đầu tư của toàn xã hội. Những năm qua, cải cách hành chính đã được đẩy mạnh thực hiện ở nhiều cấp tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vì vậy, năm nay, ngành KH và ÐT cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính. Bộ KH và ÐT cũng cần tham mưu cho Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đề ra nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH và ÐT xác định rõ những giải pháp thực hiện mục tiêu, kế hoạch trong năm tới, tạo cơ chế huy động tốt các nguồn lực trong và ngoài nước, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, triệt để thực hành tiết kiệm, tập trung đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng... Năm 2007, Bộ KH và ÐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì rà soát, thanh tra, kiểm tra quy hoạch treo. Thủ tướng yêu cầu thanh tra Bộ KH và ÐT không tập trung vào thanh tra cụ thể các dự án đầu tư mà cần tập trung vào thanh tra quy hoạch để xóa bỏ hoàn toàn các quy hoạch treo. Ngành KH và ÐT cần làm tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương giải quyết cơ bản, có tiến bộ vấn đề này. Việc xây dựng quy hoạch trong thời gian tới phải được thực hiện rõ ràng, minh bạch để từng bước công khai với người dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong bối cảnh mới của đất nước, vai trò quản lý Nhà nước của Bộ KH và ÐT cần được nâng cao hơn nữa, từng cán bộ, công nhân viên của ngành phải tự giác phấn đấu, trau dồi nghiệp vụ, nhất là nâng cao trách nhiệm trước công việc, nhận thức rõ nghĩa vụ phục vụ doanh nghiệp, nhân dân, vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội...