* Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN: vẫn mua lúa giá tối thiểu 3.800 đồng/kg
|
Ông Nguyễn Tấn Duy (Gò Công Tây, Tiền Giang) thu hoạch lúa - Ảnh: V.TR. |
Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, cho biết toàn huyện có hơn 11.000ha lúa hè thu và đã thu hoạch được hơn 8.000ha. Tuy nhiên, chỉ có lúa thơm (loại lúa có giá cao nhất) mới bán được từ 3.400-3.800 đồng/kg lúa tươi, còn lúa thường chưa tới 3.000 đồng/kg.
Tại cuộc họp ban thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ngày 24-8, giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Khang cho biết hai tuần qua nông dân bán lúa với giá rất thấp, khoảng 3.200 đồng/kg lúa thường. Nếu phơi sấy tốt thì giá cũng chưa tới 3.800 đồng/kg như mức giá tối thiểu phải mua dự trữ theo tuyên bố của Hiệp hội Lương thực VN (VFA). Theo điều tra của sở, chi phí sản xuất lúa vụ hè thu là hơn 3.000 đồng/kg.
Trong ngày 24-8, giá gạo tại các chợ đầu mối ĐBSCL tiếp tục giảm so với hôm trước từ 30-50 đồng/kg. Gạo lứt hạt dài loại tốt dùng để chế biến gạo 5% tấm chỉ còn 5.200 đồng/kg, còn gạo IR 50404 từ 4.900-5.050 đồng/kg, tuy nhiên sức tiêu thụ rất chậm.
* Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-8, ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA - khẳng định các doanh nghiệp thuộc VFA vẫn đang thu mua gạo đạt chuẩn xuất khẩu với mức giá lúa tối thiểu 3.800 đồng/kg. “Chúng tôi đang đi kiểm tra và tại một số khu vực, ngay cả lúa thu hoạch bán ngay tại ruộng cũng được mua với giá 3.600-3.700 đồng/kg, thậm chí lúa tốt còn được mua với giá lên tới 4.000 đồng/kg…” - ông Phong nhấn mạnh.
Hiện giá gạo nhập kho của các doanh nghiệp, theo tính toán của VFA, đảm bảo mức giá lúa không dưới 3.800 đồng/kg. Theo ông Phong, các doanh nghiệp VFA vẫn đang tích cực thu mua gạo của nông dân, trong đó nhiều địa phương đạt sản lượng thu mua khá cao như An Giang đạt 1.600 tấn/ngày, Tiền Giang 1.500 tấn/ngày, Long An 1.200 tấn/ngày, Kiên Giang 1.000 tấn/ngày…
Đến ngày 21-8, các doanh nghiệp VFA đã thu mua hơn 285.000 tấn gạo trong tổng số 400.000 tấn gạo thu mua tạm trữ theo kế hoạch. Ông Phong cũng khẳng định kết quả khảo sát của VFA cho thấy hiện các địa phương không còn tồn đọng lúa nhiều, đặc biệt lúa tốt đã được người dân giữ lại để bán giá cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. “Nếu có trường hợp doanh nghiệp thu mua gạo xuất khẩu với mức giá không đảm bảo giá thu mua lúa tối thiểu, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý” - ông Phong cam kết.
(V.TR. - H.Đ, Báo Tuổi Trẻ)