Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho các sản phẩm của mình.
VASEP cho rằng, thực tế những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tiêu thụ sản phẩm dưới nhãn hiệu của các nhà nhập khẩu hoặc thương hiệu của hệ thống phân phối nước ngoài. Đây chính là một trong những điều bất cập mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đặc biệt trong thời gian tới.
Con cá tra đã có mặt ở trên 100 thị trường trên thế giới, vượt qua những rào cản thuế quan, rào cản kỹ thuật để tiếp cận đến những thị trường tiềm năng và khó tính nhất. Sau hơn 10 năm có mặt trên thị trường, con cá tra đã đem lại một nguồn lợi lớn về kinh tế với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Việt Nam hiện đang là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, trong đó có vai trò và đóng góp rất lớn của con cá tra.
Hiện nay, mặc dù được coi là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về xuất khẩu thuỷ sản, với mức trung bình 18%/năm trong giai đoạn 1998-2008, tuy nhiên hiện còn rất nhiều vấn đề bất cập tại các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như: cơ cấu giá thành bất hợp lý, chi phí nguyên liệu đầu vào cao và chiếm tới 70% tổng chi phí, trong khi chi phí vận tải, giao dịch, quảng bá sản phẩm lại chỉ chiếm khoảng 1%...những điều này đã hạn chế việc củng cố hình ảnh sản phẩm thuỷ sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, việc phát triển thiếu quy hoạch, thiếu liên kết tạo thành chuỗi sản xuất khép kín cũng làm cho môi trường phát triển bị đe doạ, ngành thuỷ sản Việt Nam thiếu tính cạnh tranh và sự phát triển còn bấp bênh.