Như vậy, 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu các loại đạt 442,5 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu tiếp tục giảm chậm lại so với mức giảm 34,8% nửa đầu năm. Từ nay đến cuối năm, tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu các loại sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu sẽ cao hơn mức đầu năm. Ước tính năm 2009 kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu các loại giảm khoảng 10% so với năm 2008.
Tháng 7/2009, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ nhiều thị trường tăng so với tháng trước. Canada là thị trường có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, tăng 190% so với mức kim ngạch nhập khẩu tháng trước và cao hơn 50% so với mức kim ngạch nhập trung bình 6 tháng đầu năm, đạt 612 nghìn USD. Trong đó, 52% kim ngạch nhập khẩu từ Canada trong tháng 7 là nhập khẩu gỗ thông với kim ngạch đạt 328,7 nghìn USD với giá nhập trung bình ở mức 158 USD/m3. Kim ngạch nhập khẩu ván lạng lớn thứ 2, đạt 221,5 nghìn USD. Giá nhập khẩu ván lạng gỗ anh đào dày 6mm trung bình ở mức 1,39 USD/m2, giá nhập khẩu ván lạng gỗ sồi trắng dày 6mm trung bình ở mức 0,92 USD/m2….
Chi lê là thị trường cung cấp có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh thứ 2, tăng 118,6% so với tháng trước, đạt 1,2 triệu USD. Gần như 100% kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường Chilê là nhập khẩu gỗ thông. Giá nhập khẩu gỗ thông từ thị trường Chilê tháng 7/2009 trung bình ở mức 223 USD/m3, thấp hơn so với mức giá nhập trung bình tháng trước 2 USD/m3.
Tăng mạnh tiếp theo là các thị trường PNG với kim ngạch đạt 1,64 triệu USD, tăng 82,4%. Chủng loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường này là gỗ bạch đàn. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường Thuỵ Điển tăng 76%; Italia tăng 69%; Myanma tăng 51%; Đài Loan tăng 41%; Ôxtrâylia tăng 27%; Camơrun tăng 19%; Lào tăng 16% và Urugoay tăng 15%.
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ thị trường Mỹ trong tháng 7/2009 cũng tăng đạt 3,6% so với tháng trước, với kim ngạch 9,46 triệu USD. Gỗ dương là chủng loại gỗ nguyên liệu đạt kim ngạch cao nhất,đạt 3,2 triệu USD, ổn định so với kim ngạch nhập khẩu tháng trước. Giá nhập khẩu gỗ dương nguyên liệu tháng 7/2009 trung bình ở mức 283 USD/m3, cao hơn so với mức giá nhập trung bình tháng trước 10 USD/m3. Thứ hai là gỗ sồi, đạt 2,74 triệu USD. Giá nhập khẩu gỗ sồi tháng 7 trung bình ở mức 368, thấp hơn so với mức giá nhập trung bình tháng trước 6 USD/m3. Các chủng loại gỗ nguyên liệu có kim ngạch lớn tiếp theo là gỗ tống quán sủi, gỗ tần bì….
Trong tháng 7/2009, Malaysia là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu chính cho Việt Nam với kim ngạch đạt 13,75 triệu USD. 7 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường Malaysia giảm 34,2%, đạt 70,3 triệu USD. Ván MDF là chủng loại gỗ nguyên liệu có kim ngạch nhập khẩu từ Malaysia lớn nhất, đạt trên 4,16 triệu USD, tăng 41,9% so với tháng trước.
Cơ cấu thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam tháng 7/2009
(tỷ trọng tính theo kim ngạch)
Malaysia | 15% |
Lào | 14% |
Mỹ | 10% |
Trung Quốc | 10% |
Myanma | 8% |
New Zealand | 6% |
Camơrun | 4% |
Thái Lan | 4% |
Cămpuchia | 4% |
Urugoay | 3% |
Thị trường khác | 22% |