Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quản gạo xuất khẩu theo cơ chế mới
10 | 09 | 2009
8 tháng đầu năm 2009, Việt Nam xuất khẩu một lượng gạo lớn nhất từ trước tới đến nay. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu ở mức thấp gần nhất thế giới nên hiệu quả thực tế không cao. Nghị định về quản lý kinh doanh gạo đang được xây dựng liệu có góp phần thay đổi thực trạng này?

Từ trước đến nay, gạo Việt Nam vẫn có giá bán thấp hơn gạo Thái Lan, tuy nhiên theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gần đây khoảng cách này ngày càng doãng ra. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp hơn cả gạo của Pakistan, mặc dù chất lượng gạo Việt Nam được công nhận tốt hơn gạo Pakistan.

Luôn bán rẻ

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn Agroinfo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 - 2009 ở mức 413 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 355 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, thì giá trong tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009, còn 392,94 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 340,39 USD/tấn (gạo 25% tấm). Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái Lan trong tháng 8 là 524,56 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 432,06 USD/tấn (gạo 25% tấm).

Điều đáng nói là lượng gạo chất lượng cao mà Việt Nam đã xuất khẩu hồi đầu năm tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trung bình vẫn giảm. Chính vì thế, từ đầu năm nay đến hết ngày 27 - 8, Việt Nam đã ký xuất khẩu 5,632 triệu tấn gạo, tăng 66,58% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1,834 tỉ USD, giảm 3,64%.

5,6 triệu tấn gạo đã được ký hợp đồng xuất khẩu tính đến hết ngày 27/8

Theo VFA, cảnh “mạnh ai nấy bán” vẫn diễn ra khá phổ biến giữa các doanh nghiệp chế biến kinh doanh gạo hiện nay. Chính vì vậy mới có tình trạng một số doanh nghiệp trong nước bị thương nhân nước ngoài ép giá; một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh theo thời vụ, không có kho chứa, nên đã cố tình chào bán với giá thấp làm ảnh hưởng tới mặt bằng giá xuất khẩu chung. Mặc dù đã có quy định những doanh nghiệp ký hợp đồng với giá thấp hơn giá sàn thì không được đăng ký hợp đồng xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp có rất nhiều cách để “lách”.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là chất lượng, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam không đồng nhất. Do diện tích canh tác lúa ở ĐBSCL hiện nay manh mún, nông dân phải tự tính toán gieo sạ giống lúa nào thu hoạch nhanh nhất, chi phí thấp nhất, nên trên cùng cánh đồng có nhiều giống lúa khác nhau. Khâu tổ chức thu mua cũng đang tồn tại nhiều bất ổn khiến giá lúa gạo lên xuống thất thường, gạo khi thừa, khi thiếu. Có lúc nhu cầu thế giới tăng cao, Việt Nam lại không có gạo để xuất.

Điều hành còn bị động

Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng ta cần phải sửa đổi rất nhiều, đặc biệt ở khâu tổ chức và điều hành sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công Thương đã cùng với các địa phương, hiệp hội xây dựng dự thảo nghị định về xuất khẩu gạo trình Chính phủ thông qua. Nghị định này sẽ đơn giản hóa hơn nữa thủ tục xuất khẩu gạo, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất nhưng sẽ không áp đặt, chỉ quy định những thỏa ước giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để đảm bảo quyền lợi chung.

Cho rằng công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng ông Biên cũng thừa nhận công tác này đã bộc lộ không ít tồn tại và thách thức. Đó là chưa xác định rõ trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu gạo với các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của đất nước, với người nông dân sản xuất lúa gạo, với việc bình ổn giá thu mua lúa của người nông dân và giá bán gạo cho người tiêu dùng trong nước. Từ đó dẫn tới những lúng túng, bị động trong công tác điều hành khi có biến động về giá thị trường, giá cả trong nước và ngoài nước.

Cơ quan này cũng nhận định, hiện nay các chu kỳ biến động của thị trường đang rút ngắn lại, đòi hỏi công tác điều hành xuất khẩu gạo phải nhanh nhạy, kịp thời. Ngoài thách thức về xuất khẩu, áp lực đảm bảo an ninh lương thực sẽ ngày càng gia tăng trong tình hình mới do những biến động bất thường của khí hậu, sự gia tăng dân số, nhu cầu chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp cho các mục tiêu khác nhau.

Quản theo hướng nào?

Theo Thứ trưởng Biên, dự thảo xác định quản lý thống nhất hoạt động xuất khẩu gạo thông qua cơ chế cấp phép kinh doanh, gắn kết quyền lợi xuất khẩu của thương nhân tham gia hoạt động xuất khẩu gạo với nghĩa vụ tham gia tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân và tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết thông qua sự điều phối của VFA; thiết kế cơ chế để các quyết định liên quan tới hoạt động xuất khẩu gạo theo từng cấp độ được đưa ra từ đúng cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, Nghị định có các chương quy định về điều kiện được kinh doanh xuất khẩu gạo với yêu cầu doanh nghiệp phải có cơ sở xay xát, kho chứa gạo… theo quy định. Bộ Công Thương sẽ là cơ quan thẩm định và cấp phép, gia hạn giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Chương về điều hành xuất khẩu gạo có quy định cụ thể về việc ký kết và các điều khoản về vi phạm cũng như mức độ xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, quy định là một chuyện, nhiều ý kiến cho rằng sự linh hoạt trong điều hành cũng như cung cấp thông tin, chính xác, kịp thời của cơ quan quản lý và VFA mới là điều các doanh nghiệp cần hơn cả.



Theo www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường