Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam dự kiến nhập 61.000 tấn đường
11 | 09 | 2009
Trong hạn ngạch nhập khẩu đường năm nay 61.000 tấn mà Bộ Công Thương đưa ra, các doanh nghiệp đã nhập 18.000 tấn và hiện bộ này đã phân bổ hạn ngạch 43.000 tấn còn lại cho các doanh nghiệp để nhập đường góp phần bình ổn giá thị trường trong nước.

Theo Tổ chức Đường thế giới, vụ 2008-2009, sản lượng đường thế giới đạt khoảng 161 triệu tấn, so với nhu cầu tiêu dùng hơn 165 triệu tấn thì hụt hơn bốn triệu tấn. Đây là lý do khiến giá đường phục hồi và tăng cao nhất kể từ nhiều năm nay. Dự kiến vụ sản xuất 2009-2010, sản lượng đường thế giới đạt 165 triệu tấn và vẫn thiếu hụt so với nhu cầu tiêu dùng 5-9 triệu tấn.

Trong nước, niên vụ mía đường 2008 – 2009 đã kết thúc, tổng diện tích mía cả nước chỉ có khoảng 270.600 héc ta, giảm mạnh tới 36.000 héc ta so với vụ trước, nên sản lượng đường chỉ 995.000 tấn, giảm 20%, đây là nguyên nhân khiến giá đường lên cơn sốt trong hơn 1 tháng qua.

Tuy nhiên, ngành mía đường đối mặt với những khó khăn như sự biến động của giá cả thị trường thế giới. Đặc biệt, doanh nghiệp lo ngại năm 2010, lượng đường nhập khẩu trong hạn ngạch cam kết WTO là 64.000 tấn đường nhập khẩu với thuế suất 5% (hiện thuế 60% với đường trắng, 25% với đường thô) theo cam kết tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp mía đường trong nước trong việc giảm thuế này.

Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, bức xúc hiện doanh nghiệp không có sự đồng thuận, dẫn đến tình trạng giành giật mua bán lẫn nhau. Bà Sum cho rằng cần có sự đồng thuận thu mua mía sạch, tỷ lệ tạp chất là bao nhiêu phải có quy định. Đồng thời, đưa ra chuẩn giá đường và doanh nghiệp phải đăng ký tiêu chuẩn thống nhất với cơ quan chức năng.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sớm thống nhất hạn ngạch nhập khẩu đường theo cam kết WTO của năm 2010 để không ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước và đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, thuế bảo hộ cho đường sản xuất trong nước vẫn khá cao: 60% đối với đường trắng và 25% với đường thô, còn theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) thì thuế nhập khẩu chỉ có 10% cho cả hai loại đường thành phẩm và đường thô trong hạn ngạch; sản lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch phải chịu thuế tới 85%.

Do thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN thấp nên năm nay cũng như các năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập đường từ Thái Lan để hưởng thuế suất ưu đãi 10%.  

Trong cuộc họp của Hiệp hội mía đường Việt Nam diễn ra tại TPHCM hôm 8-9 trước khi chính thức bước vào vụ sản xuất mía đường 2009- 2010, các doanh nghiệp mía đường thành viên đã đề xuất mức giá sàn mua mía nguyên liệu là 600.000 đồng/tấn đối với mía tiêu chuẩn (mía có 10 chữ đường) tại ruộng trong tình hình nhiều nhà máy đường đã tranh thủ sản xuất sớm và cạnh tranh tăng giá mua mía.

Hiện một số nhà máy đường ở ĐBSCL đã tiến hành sản xuất do một số vùng nguyên liệu bị ảnh hưởng lũ nên nông dân thu hoạch mía sớm chạy lũ. Giá mía nguyên liệu được đẩy lên 680.000 -700.000 đồng/tấn, tăng khoảng 250.000 đồng/tấn so với mùa vụ trước.

Đầu tháng trước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đã làm việc với các nhà máy đường vùng ĐBSCL nhằm chấn chỉnh công tác thu mua mía, hạn chế tình trạng tranh mua tranh bán diễn ra âm ỉ nhiều năm qua giữa các nhà máy đường ở vùng này.

Hiệp hội mía đường Việt Nam dự báo sản lượng đường sản xuất trong nước niên vụ 2009- 2010 đạt 1,13 triệu tấn, tăng 13% so với niên vụ trước nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu vì theo nhiều chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam hàng năm hơn 1,2 triệu tấn.



Theo Báo Công Thương Điện Tử
Báo cáo phân tích thị trường