Giá đường tăng kỷ lục
Từ giữa tháng 7 đến nay, đường liên tục lên giá khoảng 6 lần, giá đường bán buôn trong tháng 5/2009 chỉ ở mức 10.500 đồng/kg, nhưng đến tháng 8 nhảy lên 13.500 - 14.000 đồng/kg (giá bán lẻ trên thị trường lên 17.000 - 18.000 đồng/kg) tăng 79% so cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Mía đường VN cho rằng, giá đường trong nước tăng kỷ lục là do đường trên thế giới lên cao vì bị tác động của giá xăng dầu, hoạt động của các quỹ đầu cơ cũng như nhu cầu tăng cao của các thị trường lớn Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đã đẩy giá đường thế giới từ tháng 4 chỉ ở mức 427 USD/tấn, lên 493,8 USD/tấn vào tháng 7, đến tháng 5 tăng tiếp đến 577 USD/tấn và hiện nay đang đứng ở mức 573,1 USD/tấn. Ngoài ra do nhu cầu đường nguyên liệu sản xuất bánh kẹo cho Tết Trung thu cũng khiến đường đội giá.
Tuy nhiên, theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), tình trạng đường tăng giá chỉ là “sốt” ảo, vì thực tế đường tồn kho đến ngày 15/8 vẫn còn khoảng gần 79 nghìn tấn, đường gửi tại kho của doanh nghiệp do tiêu thụ chậm vẫn còn 22.000 tấn. Ngoài ra, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch (61.000 tấn/năm) vẫn còn khoảng 15.000 tấn chưa nhập. Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương thống nhất nhập khẩu bổ sung 40 nghìn tấn đường theo hạn ngạch để dự phòng. Theo đó, tổng lượng đường cho đến khi vào vụ thu hoạch (đầu tháng 9) vẫn đảm bảo dồi dào nguồn cung. Nếu giá đường thế giới không tiếp tục tăng và giữ ở mức giá hiện tại, giá đường trong nước thời gian tới sẽ điều tiết trở lại. Tuy nhiên, đây cũng chính là điều các nhà quản lý lo ngại, khi thị trường đường nội địa vẫn đang phải chịu sức ép từ biến động của thị trường đường thế giới. Với mức giá hiện tại, cả nhà máy lẫn nông dân hứa hẹn sẽ có lợi nhuận nhất định. Song nếu giá đường tăng cao hơn hoặc lại giảm xuống, giá đường trong nước sẽ biến động theo.
Đường nhập lậu, đường kém chất lượng “ăn theo”
Trong khi đó đường cát sản xuất trong nước không đủ cầu trên thị trường, cả chất lượng và giá lại kém sức cạnh tranh với đường ngoại (rẻ hơn 500đ/kg). Tất cả đã thôi thúc đội quân buôn lậu gia tăng thủ đoạn, hành vi để “tăng tốc”, cơ hội cho đường nhập lậu tràn về, nhất là đường từ Thái Lan. Mới đây, Công an phường Vinh Tân – Thành phố Vinh phát hiện xe ô tô 35N - 2536 vận chuyển 4,5 tấn đường do Thái Lan sản xuất không có giấy tờ đang trên đường đưa về thành phố Nam Định tiêu thụ với giá hấp dẫn trên thị trường. Tại khu vực biên giới Tây Nam là 12.300 đồng/kg, Thành phố Hồ Chí Minh có giá 13.200 đồng/kg, tại Hà Nội: 13.000đ/kg, rẻ hơn đường trong nước từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện nay Thái Lan đang bán tháo đường sang các nước, trong đó có Việt Nam với mức giá thấp.
Không chỉ có đường nhập lậu, do giá đường tăng cao nên thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện hàng kém chất lượng. Các nhà buôn gom hàng từ các nhà máy về trộn thêm các loại đường giá rẻ khác của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của tư nhân, không có kiểm định chất lượng lẫn nhiều tạp chất khác gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, đường thường được ăn trực tiếp không qua nấu chín như dùng để uống cà phê, chanh đá, xay sinh tố…nên sử dụng đường kém chất lượng là vô cùng nguy hiểm.
Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng giá đường trong nước tăng cao, đã dùng thủ đoạn sử dụng đường nhập lậu giá rẻ thay vỏ bao in nhãn mác các công ty mía đường trong nước rồi đưa vào kho kèm theo giấy tờ hợp pháp đã được chuẩn bị sẵn để che mắt các lực lượng chức năng và đưa ra thị trường.
Để hạn chế cơ hội đường nhập lậu, đường kém chất lượng “ăn theo”, các lực lượng chức năng quản lý thị trường, Hải quan và công an cần kiểm soát chặt chẽ từ cửa khẩu, kiên quyết không để hàng lậu “đội lốt” hàng trong nước thu lợi bất chính. Đồng thời, các Bộ ngành cần nhanh chóng tạo cân bằng về cung – cầu trong nước, nhằm hạn chế việc đầu cơ, gom hàng góp phần đẩy giá đường tăng cao.