Trong khi đó, nguồn cung cao su đang bị hạn chế, do mưa nhiều tại các nước Đông Nam Á khu vực trồng cao su lớn nhất thế giới đã ảnh hưởng xấu đến sản lượng khai thác mủ.
Trước đó Thái Lan, Malaysia, Inđônêsia đã thống nhất cắt giảm khoảng 6,2% sản lượng khai thác khiến sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2009 giảm còn 9,36 triệu tấn so với mức xấp xỉ 10 triệu tấn năm 2008. Sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2009 của Thái Lan, Inđônêsia và Malaysia giảm 35% so với cùng kỳ năm 2008, điều này đã giúp giá cao su thiên nhiên phục hồi khá nhiều. Các chuyên gia thương mại dự đoán sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ giảm 2,2% (còn khoảng 8,9 triệu tấn), đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 16 năm qua. Theo báo cáo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới, sản lượng cao su thiên nhiên của Thái Lan – nước sản xuất lớn nhất chiếm đến 33% nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới, giảm tới 21,6% trong năm nay; sản lượng cao su của Malaysia giảm tới 27,6%; Ấn Độ giảm 8,7% và Inđônêsia cũng giảm đến 6,5%.
Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay sản lượng cao su thiên nhiên cũng giảm khoảng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn là do việc trồng lại và diện tích trồng cây cao su lấy mủ trong năm nay bị thu hẹp khoảng 16.700 ha. Do đó lượng mủ cao su của nông dân cạo ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Sản xuất cao su của Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới (chiếm khoảng 5,4% sản lượng cao su su thế giới) sau Thái Lan, Inđônêsia, Malaysia, và Ấn Độ. Nhu cầu nhập khẩu cao su thế giới thường có chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm để phục vụ tăng cường sản xuất, cộng thêm với tình hình kinh tế thế giới đang dần hồi phục đã đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi nhanh và giá dầu thô gần đây ở mức ổn định khiến thị trường các hàng hóa và sản xuất sôi nổi hơn, đặc biệt là cao su – mặt hàng luôn chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giá dầu.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khả quan đặc biệt là doanh số bán ô tô (doanh số bán ô tô tháng 7/2009 tăng 78% so với cùng kỳ năm 2008); thị trường cổ phiếu tăng giá… hứa hẹn nhu cầu năng lượng và các nguyên liệu khác tăng trở lại. Nhờ vậy giá cao su nhập khẩu không ngừng tăng theo. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho ngành cao su Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính của cao su Việt Nam hiện đang có nhu cầu cao, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn có tiềm năng nhất, nhu cầu nhập khẩu cao su của nước này đang không ngừng tăng lên để bù đắp cho lượng cao dự trữ đã giảm mạnh. Do vậy các doanh nghiệp cần tận dụng thời điểm này để tìm kiếm khách hàng ký những hợp đồng tiêu thụ lớn. Trong những tháng đầu năm nay xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 67,5% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước với hơn 161.000 tấn trị giá 233,9 triệu USD. Ngoài ra, các thị trường khác có tiềm năng nhập khẩu nhiều cao su như Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Đức, Mỹ, Braxin, Anh… các doanh nghiệp nên tập trung khai thác tối đa để tăng lượng hàng xuất khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành cao su đã xuất khẩu được 614 triệu USD, với những diễn biến đang có lợi thế cho xuất khẩu cao su trong những tháng tháng còn lại của năm theo các chuyên gia thương mại thì mặt hàng này có thể đóng góp thêm khoảng 536 triệu USD so với kế hoạch năm.