Gạo: Bộ Thương mại dự báo trong tháng 10 và các tháng còn lại của năm, giá gạo sẽ vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng cao trong khi nguồn cung gạo trong nước lại không dồi dào. Giá lúa gạo trong nước đã liên tục tăng trong 2-3 tuần qua. Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức 2.600 đồng/kg; giá gạo tẻ thường tăng lên mức 4.350-4.850 đồng/kg. Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu 15% tấm đã tăng lên 265 USD/tấn; gạo 5% tấm lên 282 USD/tấn, cùng tăng khoảng 2 USD/tấn so với tuần trước. Với mức giá này, giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 20-40 USD/tấn.
Đây chính là yếu tố cạnh tranh giúp cho gạo xuất khẩu Việt Nam mở rộng thêm thị trường với nhiều hợp đồng được ký kết. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng ngày càng đẩy mạnh mua vào với dự đoán nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, nguồn cung trong nước lại không dồi dào do sản lượng lúa đông xuân năm nay dự báo sẽ giảm 11,3%, xuống còn 9,55 triệu tấn do nạn sâu bệnh hoành hành.
Trước cơ hội tăng giá, Bộ Thương mại khuyến khích DN nên tận dụng cơ hội này để tìm kiếm những đơn hàng có giá cao. Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẽ tiến hành kiểm tra, cấm tất cả các đơn hàng xuất khẩu với giá thấp.
Cà phê: Tuần qua, giá cà phê xuất khẩu đã tăng trở lại sau nhiều ngày giảm. Hiện cà phê xuất khẩu (FOB, Thành phố Hồ Chí Minh) ở mức 1.380- 1.389 USD/tấn, tăng khoảng 70 USD/tấn so vớituầntrước.
Giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Trong các phiên giao dịch ngày 25-26/9 trên thị trường Niu Yoóc và Luân Đôn, giá cà phê đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần rưỡi qua. Tại thị trường trong nước, giá thu mua cà phê vối xô ở Đắc Lắc vào khoảng 21.500- 22.000 đồng/kg, tăng 500- 1.000 đồng/kg. Giá cà phê chè loại 1 tại Lâm Đồng là 23.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Theo dự đoán của giới kinh doanh giá cà phê sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới và thị trường cà phê tiếp tục sôi động. Nguyên do các quỹ hàng hóa và nhà đầu cơ ngắn hạn tăng cường mua vào trong khi nguồn cung lại hạn hẹp. Tại các quốc gia sản xuất cà phê chính như Việt Nam, Braxin, Inđônêxia thời tiết bất lợi và sâu bệnh phá hoại đã làm giảm đáng kể sản lượng cà phê toàn cầu vụ 2006/2007. Đặc biệt với cà phê vối (robusta) nguồn cung đang bị giảm mạnh. Trên thế giới, dự trữ cà phê hiện chỉ còn 19 triệu bao, thấp hơn nhiều so với năm 2005. Hiệp hội Cà phê và Cacao Việt Nam cho biết, sản lượng cà phê sắp thu hoạch của Việt Nam có thể giảm xuống thấp hơn mức dự báo 13,85 triệu tấn do ảnh hưởng của dịch bệnh và côn trùng phá hoại. Đây là những cơ sở để giá cà phê có cơ hội tiếp tục tăng.