Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đứng dậy sau “bão”
24 | 09 | 2009
Một số thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi. Theo đó, doanh nghiệp cũng đã rục rịch tính toán kế hoạch kinh doanh thời hậu khủng hoảng.

Hồi tháng 4-2009, khi thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp bị sa sút trầm trọng do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, đại diện Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA) và Công ty An Xuyên (An Giang) đã tổ chức chuyến đi quảng bá sản phẩm cá da trơn tại Ninh Thuận, Bình Thuận.

Kết quả, theo ông Châu Minh Chinh, Trưởng phòng Tư vấn - Kỹ thuật - Thương mại AFA, đối tác tại các tỉnh này đã đặt hàng đều đặn khoảng 300 tấn sản phẩm/tháng.

Con số trên tuy không nhiều, nhưng có thể thấy, quay lại khai thác thị trường nội địa cũng là cách mà một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đã áp dụng nhằm bù đắp phần nào thị trường xuất khẩu đang khó khăn. Đây cũng là cách mà theo một số doanh nghiệp, sẽ tiếp tục áp dụng trong thời gian tới nhằm đa dạng thị trường, tránh rủi ro khi quá lệ thuộc vào xuất khẩu.


Trước đó, Agifish, Afiex (An Giang), Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cũng đã gầy dựng dần hệ thống phân phối sản phẩm tại thị trường nội địa. Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Agifish, cho biết: “Riêng công ty chúng tôi, thị trường nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm. Năm 2008 vừa qua, doanh số tiêu thụ nội địa đạt khoảng 50 tỉ đồng”.

Sử dụng giá để phục hồi xuất khẩu!

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù sao đi nữa, xuất khẩu vẫn là thị trường chính của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Do đó, để khai thác tốt thị trường này sau khủng hoảng thì điều cốt yếu là doanh nghiệp phải tạo được sự hấp dẫn về giá. “Giá rẻ sẽ kích thích được người tiêu dùng, để họ không chọn những sản phẩm khác. Nếu giá cao, khách sẽ không mặn mà. Không còn con đường nào khác!”, ông nói.

Theo thông tin từ VASEP, ngày càng nhiều các công ty thực phẩm ở Nhật đang sử dụng giá thấp và an toàn vệ sinh như là điểm chính trong chiến lược tiếp thị của mình trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Kết quả cuộc khảo sát mới đây tại Nhật, hơn 43% doanh nghiệp đã trả lời “giá rẻ” khi nhận được câu hỏi “Yếu tố nào cần thiết cho các sản phẩm thực phẩm”, trong khi kết quả điều tra cuối năm 2008 thì tỷ lệ này chỉ là 38,3%. Và có đến 48% doanh nghiệp cho rằng yếu tố “giá rẻ” rất quan trọng đối với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong tương lai.

Ông Hòe cho biết, không đơn thuần chỉ là hạ giá hoặc giữ giá của sản phẩm. “Giả dụ, bình thường, một sản phẩm có chất lượng A thì bán giá B. Nhưng giờ cũng với mức giá B, doanh nghiệp phải làm sao cung cấp một sản phẩm chất lượng tốt hơn cả sản phẩm A trước đây. Phải làm sao để chất lượng và các yêu cầu khác của sản phẩm phải đảm bảo tạo được sự khác biệt”, ông nói.

Bảy tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) cũng đã xuất được hơn 7.300 tấn sản phẩm với giá trị 74,89 triệu đô la Mỹ. Nếu so với cùng kỳ, trong lúc sản lượng tăng 20,26% thì giá trị chỉ tăng 2,09%.

Suy thoái kinh tế khiến doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá trong thời gian qua, nhưng sắp tới, theo ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc: “Giá cũng khó lòng tăng”.

Và thời gian gần đây, Minh Phú đã tập trung hơn vào việc chế biến tôm thẻ chân trắng, vì đây là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về giá. “Nhưng chúng tôi cũng chưa dám ký hợp đồng nhiều vì sợ không cung cấp nổi, bởi sản phẩm này đòi hỏi chế biến công phu hơn. Hiện tại Cà Mau, bình quân Minh Phú chỉ nhận khoảng 50 tấn nguyên liệu/ngày”, ông An nói.

Ông Hòe cho rằng, giá là một trong những chiến lược kinh doanh thời hậu suy thoái, nhưng doanh nghiệp phải kham phần thiệt thòi này, đừng đổ vào người sản xuất nguyên liệu. “Giá phải đảm bảo hai yếu tố là kích thích tiêu dùng và đảm bảo giá thành. Có thể giảm bằng cách sử dụng tốt đồng vốn hỗ trợ của Chính phủ để giảm chi phí tài chính, giảm chi phí quản lý, hợp lý hóa lại sản xuất”, ông nói.

Tự cứu mình bằng chất lượng

Hồi đầu tháng 8, hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau đồng loạt treo bảng trước cửa nhà máy: “Không thu mua, không chế biến và xuất khẩu tôm có chứa tạp chất”. Đây là thỏa thuận của các doanh nghiệp sau hội nghị về tôm tổ chức tại Cà Mau vào cuối tháng 7, nhằm cố gắng giữ chữ tín cho sản phẩm thủy sản Việt Nam trong và sau thời kỳ suy thoái.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau, cho biết kể từ ngày phát động chiến dịch nói không với tôm bơm chích tạp chất, tình hình đang rất khả quan. “Hiện tại, lượng tôm “sạch” chiếm đến 95% tổng sản lượng chế biến tại các nhà máy ở Cà Mau. Các điểm trước đây công khai bơm chích tạp chất, nay cũng đã không còn hoạt động”, ông khẳng định.

Theo ông Thuận, các doanh nghiệp đã bầu ra hội đồng giám sát, theo đó lựa chọn những doanh nghiệp chấp hành tốt để đưa vào danh sách “xanh”, gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những doanh nghiệp vi phạm, cũng được đưa vào một danh sách khác.

Cả hai danh sách này, sau đó sẽ được công bố ra thị trường thế giới và doanh nghiệp “tùy ý” lựa chọn: nói không với tôm có bơm tạp chất để tồn tại và vượt qua khủng hoảng hay tự giết mình?

Ngoài việc giữ vững chất lượng, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), công ty cũng đang nghiên cứu để thay đổi hương vị sản phẩm, tạo sự khác biệt. Còn tại Agifish, hiện cũng đã có ba sản phẩm mới sắp sửa ra mắt, tạo sự đa dạng nhằm “hút” khách hàng.

Sát với thị trường

Cuối tháng 8 vừa qua, Minh Phú đã khởi công nhà máy chế biến tôm tại Hậu Giang với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 405 tỉ đồng, công suất chế biến 20.000 tấn/năm. Đã có không ít ý kiến thắc mắc là trong lúc các doanh nghiệp khác đang “gồng mình” giữ thị trường lúc này đã là thành công, thì Minh Phú lại đột ngột nâng mức cung lên quá lớn! “Làm khẩn cấp nhà máy mới nằm trong chiến lược kinh doanh thời hậu suy thoái của Minh Phú.

Vừa qua, Minh Phú vẫn tăng được sản lượng tôm xuất khẩu, đương nhiên khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu sẽ còn cao hơn nữa”, ông An khẳng định. Theo ông Hòe, để kinh doanh tốt thời kỳ hậu suy thoái, doanh nghiệp cần đón đầu tốt thị trường. “Phải xem thị trường nào phục hồi sớm để lên kế hoạch đưa hàng vào”, ông nói.

Như hiện nay, thị trường Nhật và Hàn Quốc đã rục rịch “khởi động”. Còn tại châu Âu, sức mua các sản phẩm cá tra cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng. “Nhưng cũng phải dè dặt, đừng ồ ạt đổ hàng vào cùng lúc”, ông lưu ý. Và theo ông Hòe, qua tám tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 8-9% so với cùng kỳ, nhưng những tháng còn lại có khả năng xuất bình quân hơn 400 triệu đô là Mỹ/tháng!

Ông Hòe cho rằng, nhìn chung các doanh nghiệp đều đã có bước chuẩn bị. Tuy nhiên, không như các sản phẩm khác, hàng thủy sản có thể phải có độ “trễ” nhất định vào thời kỳ hậu suy thoái. Do đó, Nhà nước cần tăng cường kinh phí vào lĩnh vực xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thông tin và tiếp cận thị trường đúng thời điểm. “Nếu có chiến lược tốt, con số 4,2 tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu thủy sản trong năm nay là rất khả quan”, ông nói.



Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Báo cáo phân tích thị trường