Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ sữa tươi: Sai nhãn mác hay gian lận thương mại?
13 | 07 | 2007
Thanh tra Bộ Y tế vừa có văn bản trả lời công văn của Hiệp hội người tiêu dùng phía Nam về vấn đề sữa tươi không đúng thành phần ghi trong nhãn mác. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết nhãn mác, chất lượng và thành phần trong các sản phẩm sữa đều không đúng như trong hồ sơ đăng ký.

Tỉ lệ sản phẩm có nguyên liệu sữa tươi rất thấp

Tuần sau công bố kết quả thanh tra sữa tươi

Bắt đầu thanh tra sữa lần thứ hai

Trong tháng 10, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với một số cơ quan chức năng thanh kiểm tra tại 6 công ty sữa thuộc địa bàn các tỉnh phía Bắc (văn bản không nêu danh sách đó là những công ty nào). Nội dung kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với mặt hàng sữa tươi tiệt trùng của Vinamilk, Thanh tra Bộ Y tế cho biết: Trong bản công bố, Công ty Vinamilk ghi là “Sữa tươi tiệt trùng không đường nhãn Vinamilk”, tuy nhiên trên bao bì đang lưu hành sản phẩm lại ghi “Sữa tươi tiệt trùng nguyên chất”. “Như vậy, tên của sản phẩm đang lưu hành không phù hợp với tên của sản phẩm ghi trong bản công bố” - Thanh tra Bộ Y tế kết luận.

Đối với các mặt hàng sữa tiệt trùng của các hãng sản xuất nói chung, trong bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm và trên bao bì đều ghi thành phần có sữa tươi nhưng trên thực tế kiểm tra hồ sơ sản xuất tại các công ty cho thấy có 33,3% đến 84,2% số mẻ sản phẩm không hề có sữa tươi. Trong các mẻ sản phẩm có sữa tươi, thành phần sữa tươi nguyên liệu thực tế có trong sản phẩm chỉ chiếm từ 2,2% đến 100%. Thanh tra kết luận: “Như vậy, việc ghi nhãn về thành phần sữa tươi của các sản phẩm sữa tiệt trùng hầu hết không phù hợp với thực tế hồ sơ sản xuất”.

Với kết quả này, có lẽ cần phải có một cơ quan có đầy đủ chức năng kết luận, chứ không thể chỉ đơn giản chấp nhận lời giải thích đơn giản của các nhà sản xuất sữa trả lời với khách hàng của mình như lâu nay. Có thể nói, sản phẩm bán ra không phải là sản phẩm đã đăng ký với nhà quản lý hoặc đã cam kết với khách hàng, bởi lẽ nó vừa không nguyên chất, vừa không đúng tên gọi như trong bản công bố.

Chẳng hạn, trường hợp trên một hũ yaout của Vinamilk có tới hai nhãn dán chồng lên nhau có thông tin khác nhau, và mới đây là sữa Lothamilk ghi trên hộp dung tích 200ml nhưng thực tế chỉ chứa 160ml hoặc 180ml, rồi Ducth Lady có thành phần sữa tươi thấp hơn thành phần khác nhưng trên bao bì vẫn ghi theo thứ tự thành phần “sữa tươi” đầu tiên.

Lời giải thích rằng đó là ghi sai nhãn mác hoặc tận dụng lại bao bì cũ khó lòng được người tiêu dùng chấp nhận. Chưa xét đến tính trung thực của lời giải thích này, riêng chỉ xét về quá trình lưu hành sản phẩm, nhà sản xuất không hề có lời thông báo trước với khách hàng. Lời giải thích chỉ được đưa ra khi khách hàng và báo chí phát hiện sản phẩm có vấn đề. Và một điều trùng hợp khó lòng xảy ra sự ngẫu nhiên là tất cả những “sai sót về nhãn mác” hầu hết chỉ theo chiều hướng có lợi cho nhà sản xuất, với chất lượng hấp dẫn, tốt hơn chất lượng thật của sản phẩm chứa trong bao bì đó.

Với các sản phẩm sữa tiệt trùng nói chung, kết luận của Bộ Y tế khá rõ ràng, là chất lượng sản phẩm không đảm bảo đúng như chất lượng cam kết. Lâu nay người tiêu dùng vẫn sử dụng một loại sữa được chế từ sữa bột hoặc các loại sữa khác, nhưng vẫn cứ tưởng rằng “trong đó có sữa tươi”, bởi trên nhãn và trong hồ sơ cam kết với nhà quản lý ghi như vậy. Vấn đề này có được xem là gian lận thương mại hay không, người tiêu dùng đòi hỏi câu trả lời chính thức từ cơ quan có chức năng.

Trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi chính đáng của mình, người tiêu dùng rất cần có cơ quan chức năng, cơ quan quản lý của Nhà nước đi bên cạnh. Nhưng đến giờ phút này, chưa có cơ quan nào đứng ra giúp đỡ họ. Có một sự dễ dãi trong công tác xử lý vi phạm, khi Vinamilk công nhận những thiếu sót về nhãn mác. Hãng này thông báo sẽ khắc phục vào đầu năm 2007, tức trong thời gian này nếu có lô hàng mới sản xuất đưa ra thị trường thì vẫn dùng nhãn mác như cũ. Nhưng không hề thấy cơ quan chức năng, nhà quản lý nào có ý kiến. Mặc dù trong văn bản của Thanh tra Bộ Y tế có nói rằng, đoàn thanh tra và các cơ quan chức năng “ngoài xử phạt cảnh cáo và phạt tiền, đã áp dụng biện pháp khắc phục là: đình chỉ ngay việc đưa ra thị trường các lô hàng mới có nhãn không phù hợp với nhãn đã công bố…”.

Thanh tra Bộ Y tế cũng cho biết, Thanh tra đã yêu cầu các công ty có vi phạm thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi kinh doanh sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng trên nhãn có thông tin không đúng sự thật về thành phần sữa tươi. Thanh tra Bộ Y tế cho rằng “đến nay các cơ sở bị xử phạt đã thực hiện nghiêm quyết định và đã thông báo về thanh tra Bộ Y tế”. Tuy nhiên, đến giờ này chưa ai biết nhà sản xuất nào và có bao nhiêu nhà sản xuất vi phạm, bởi chưa có một sự công bố chính thức nào của cơ quan quản lý ngoài những thông tin mà báo chí tự có được. Kể cả, trong công văn của Thanh tra Bộ Y tế có cho biết là kiểm tra 6 đơn vị, nhưng ngoài Vinamilk có tên sản phẩm được nêu ra, còn lại không rõ 5 nhà sản xuất khác là những đơn vị nào.

Chính điều này càng khiến người tiêu dùng thắc mắc: Vì sao các cơ quan chức năng lại phải giấu kín danh tính cho các doanh nghiệp vi phạm? Liệu việc che giấu thông tin này có tiếp tục vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng? Nếu không có sự minh bạch về thông tin, thì hành vi “nhầm lẫn” với hành vi “gian lận” sẽ không còn cách xa nhau là mấy. Đó chính là kẽ hở, là điều kiện thuận lợi cho gian lận thương mại.



Đặng Vỹ
Báo cáo phân tích thị trường