Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường nóng bỏng: ai lợi, ai thiệt và vấn đề vẫn còn để ngỏ
07 | 10 | 2009
Mặc dù Cục trưởng Cục chế biến, thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối vừa mới đây vẫn khẳng định rằng lượng đường tồn kho hiện vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhưng hiện tượng giá đường sốt nóng chưa từng có vẫn là một thực tế.

Giá đường trắng tinh luyện trên thị trường nội địa hiện đã tăng 50-60% so với hồi tháng 1/2009, đang cao ngất ngưởng ở mức 16.000-17.000 đồng/kg tại hai thị trường lớn Hà Nội và TP HCM.

AI CHỊU THIỆT VÀ THIỆT BAO NHIÊU?

Với ước tính gần 75% tổng sản lượng đường tiêu thụ hàng năm được dùng trong công nghiệp chế biến như nước ngọt và nước giải khát, bánh kẹo, dược phẩm ... và xấp xỉ 25% còn lại được sử dụng trực tiếp tại các hộ gia đình cho nên đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất trong cơn sốt giá đường chính là các doanh nghiệp này.

Theo thông tin của một số doanh nghiệp tiêu thụ đường lớn như Vinamilk, Coca-cola, Kinh Đô.... dù nguồn cung đường trong nước được khẳng định vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhưng các nhà sản xuất và phân phối chỉ có thể cung cấp những khối lượng nhỏ với giá rất cao. Giá đường tăng mạnh đã khiến các doanh nghiệp này một mặt phải tính đến việc xin nhập khẩu đường và mặt khác phải cân nhắc việc tăng giá bán sản phẩm.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất có thể tìm cách đẩy phần chi phí tăng do giá đường tăng sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm, người tiêu dùng không có cách nào khác ngoài việc chịu thiệt. Trong trường hợp trực tiếp sử dụng đường, họ phải chấp nhận giá đường kính trắng tăng tới 50-60%, còn khi sử dụng các thực phẩm có sử dụng đường thì cũng phải chịu thiệt do giá các sản phẩm này tăng do tác động của giá đường.

Nếu nhìn rộng hơn, có thể thấy những thua thiệt này không hề nhỏ. Bởi lẽ do nhiều nguyên nhân khác nhau, giá đường ở thị trường nước ta trong nhiều năm qua vẫn cao gần gấp đôi so với mức giá trung bình của thế giới.



Nguồn: AGROINFO, www.agro.gov.vn

AI ĐƯỢC LỢI?

Theo logic hình thức, đứng đầu tiên trong chuỗi giá trị ngành mía đường, khi giá đường tăng rất mạnh như vậy, dường như người được hưởng lợi đầu tiên phải là những người trồng mía. Nhưng trên thực tế, người nông dân nước ta đã thu hoạch mía và bán dứt điểm cho nhà máy từ đầu vụ sản xuất đường, tức là vào khoảng giữa tháng 9- tháng 10 năm ngoái khi thị trường đường thường có mức giá thấp với công thức quy đổi giá sàn 1 tấn mía tương đương 60kg đường theo giá bán buôn của nhà máy.

Đối với những vùng nguyên liệu thuộc quy hoạch của nhà máy, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng được ký từ đầu vụ xuống giống và nhà máy ứng trước một phần cho nông dân dưới hình thức phân bón, giống mía hoặc là bằng tiền trực tiếp sau đó cân đối lại với giá mía nguyên liệu khi tới thời điểm thu hoạch.

Như vậy, lượng đường đang được tiêu thụ hiện nay là sản phẩm của vụ ép mía trước, khi giá mía nguyên liệu ở mức thấp cho nên giá giá đường tăng từ tháng 5 tới nay không có tác động trực tiếp tới người trồng mía. Chính do cơ chế tính giá mía nguyên liệu hiện nay mà người nông dân Việt Nam ít có động lực để duy trì diện tích trồng mía, và diện tích mía nguyên liệu của Việt Nam biến động hàng năm theo dự đoán của nông dân về giá cả niên vụ sắp tới.

Nếu nhìn sang “người hàng xóm” Thái Lan, quốc gia tuy chỉ đứng hàng thứ tư về sản lượng nhưng lại đứng thứ nhì về xuất khẩu của thế giới, cơ chế tính giá nguyên liệu của cường quốc này lại dựa trên giá bán đường suốt niên vụ chứ không chỉ tính tại thời điểm thu hoạch mía. Do đó, trong trường hợp giá đường tăng sau khi kết thúc vụ ép mía như hiện nay, người nông dân Thái Lan vẫn được hưởng lợi.

Như vậy, những người được lợi trong lần sốt nóng giá đường hiện nay chỉ có thể là các doanh nghiệp sản xuất đường, hoặc những người hoạt động trong hệ thống phân phối mặt hàng thiết yếu này.

Chẳng hạn, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 2/2009 của các công ty mía đường niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy các mức tăng trưởng đáng kể. Tăng trưởng doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong hai quý đầu năm 2009 của công ty đường Lam Sơn và đường Biên Hòa lần lượt là 10,55% và 16,43% so với cùng kỳ năm 2008. Trong điều kiện sản lượng đường niên vụ 2008/2009 giảm sút do diện tích mía nguyên liệu giảm (sản lượng mía của BHS giảm khoảng 30%, và LSS giảm khoảng 20%), rõ ràng giá đường tăng cao trong suốt quý 1 và 2 năm 2009 đã làm tăng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của hai công ty này. Mặt khác, do thu mua mía từ khi giá đường còn thấp dẫn đến chi phí sản xuất thấp, các doanh nghiệp sản xuất đang được hưởng hai lần lợi ích từ việc tăng giá đường hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất có khả năng dự trữ hàng trong giai đoạn vừa qua, và cả các doanh nghiệp thương mại phân phối đường, chính là những người được hưởng lợi từ tình trạng sốt giá.

‘TÙ MÙ’ THỊ TRƯỜNG ĐƯỜNG

Nếu như tổng khối lượng đường tồn kho hiện nay ở mức trên 100 nghìn tấn, và như vậy cân đối cung- cầu vẫn đảm bảo như ông Cục trưởng đã công bố với báo giới là đúng, trong khi các hộ tiêu dùng lớn lại đang “khát đường”, thì hiển nhiên tình trạng giá đường sốt nóng chưa từng có hiện nay chỉ có thể là do đã có những khối lượng đường lớn được găm lại để chờ giá tăng thêm nữa.

Tuy nhiên, tình trạng tương đối “khan hàng” hiện nay cũng có thể còn bắt nguồn từ hai nguyên nhất sâu xa khác. Đó là nguồn mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua đã giảm, trong khi thị trường đường nước ta vẫn chưa dễ liên thông với thị trường thế giới.

Rõ ràng, nếu những khúc mắc này chưa được giải quyết, thị trường đường nước ta vẫn chưa thể ổn định.

Bài viết đã đăng trên báo Đầu Tư số ra ngày 06/10/2009



Hồng Kim- Hoàng Nguyễn/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường