Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, cá tra đã vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Nhu cầu thị trường trên thế giới đang tăng mạnh. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt mức 1,2-1,3 tỉ USD, vượt xa mức dự báo trước đó của VASEP là 1 tỉ USD.
Thị trường phát triển mạnh
Đến nay diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.154ha, tăng gần 600ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá thu hoạch trong 9 tháng liên tục tăng với tốc độ trung bình 13,5%. Việc xuất khẩu cá tra đã làm được điều mà 10 năm trước ít ai dám nghĩ đến: Vượt qua mặt con tôm sú.
Tính đến ngày 15.7, cả nước đã xuất khẩu được 294.800 tấn cá tra sang 120 thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt 667,6 triệu USD, giảm 2,7% về khối lượng và 3,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân, do nhiều nước dựng lên các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu và giảm giá thành sản phẩm.
Sau 10 năm, sản lượng cá tra của Việt Nam đã tăng 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần. Nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản trên thế giới đang tăng mạnh khối lượng mua sản phẩm cá tra của ta từ 2-10 lần so với năm trước. Trong đó, thị trường Đông Âu có sức mua tăng 4 lần, một số nước ở châu Phi tăng nhu cầu gấp 10 lần... Thị trường Ai Cập, Hà Lan chính thức khẳng định cá basa Việt Nam an toàn 100%; cá tra, basa cũng như hàng thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục được xuất khẩu bình thường.
Hiện nay người nuôi cá tra đang trong cảnh rất khó khăn và hưởng lợi rất ít, đầu ra sản phẩm vẫn bấp bênh, chưa đảm bảo phát triển ổn định... Năm 2008, giá cá tra liên tục ở mức thấp, trong khi các yếu tố đầu vào như con giống, chi phí thuê ao, nhân công, thuốc thú y và đặc biệt là giá thức ăn tăng cao làm cho nhiều hộ nuôi bị lỗ.
Thua lỗ vẫn nặng nề
Khảo sát mới nhất về thực trạng người nuôi cá tra tại An Giang cho thấy: Từ 70%-80% người nuôi cá tra xuất khẩu đang chịu lỗ. Toàn tỉnh hiện có 2.854 hộ vay nuôi cá tra với tổng số vốn gần 1.500 tỉ đồng. Trong số này có 152 hộ nợ quá hạn với số vốn 52 tỉ đồng. Hầu hết người nuôi đều không còn tài sản thế chấp để các ngân hàng hỗ trợ vay các khoản vay mới.
Tại Bến Tre, đa phần người nuôi cá tra đều không có lãi. Các hộ nuôi chưa liên kết được với nhà máy chế biến, nhiều cơ sở nuôi đã cho thuê hoặc sang nhượng cho doanh nghiệp có nhà máy chế biến xuất khẩu... Tại Tiền Giang, tình hình cũng diễn ra tương tự...
Dù nhu cầu sản phẩm cá tra được khẳng định sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nhưng hiện tại giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn ở mức thấp, cá loại 1 chỉ từ 14.500-15.500 đồng/kg, cá loại 2 từ 13.500-14.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành hiện tại luôn ở mức khoảng 15.500 đồng/kg.
Nông dân Nguyễn Văn Út ở vùng nuôi cá tra Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: Với giá này, người nuôi lỗ bình quân 1.000 đồng/kg. Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho biết: “Người nuôi cá tra vẫn còn rất khó khăn. Với giá thành cao và giá bán thấp như hiện nay, người nuôi không thể nào có lãi. Trong khi đó, ngân hàng nghe nói vay nuôi cá là rất sợ vì ngoài điều kiện thế chấp thì nguy cơ rủi ro cũng rất cao”.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay tiêu thụ cá tra nguyên liệu cầm chừng, nơi có vùng nguyên liệu riêng ưu tiên cho sân nhà... Và cuối cùng, nông dân nuôi cá vẫn cứ ngắc ngoải theo đàn cá trong ao của mình.