Lợi bất cập hại
Nội dung bảo đảm ANLT quốc gia bao gồm: đảm bảo về năng lượng (calo), đảm bảo về số lượng, đảm bảo tiếp cận (vận tải), đảm bảo thanh toán (tiền mua gạo) cho mọi người.
Yêu cầu về năng lượng, ngoài gạo còn có sữa, thịt, trứng, cá, rau củ quả… Kinh tế nước ta phát triển thì lượng gạo cho bữa ăn có xu hướng giảm dần, nhất là các vùng đô thị.
Bảo đảm về số lượng: Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long là các vựa lúa lớn được rải đều trong cả nước. Nếu có thiên tai gây tổn thất mùa màng một số vùng, cân đối lương thực cả nước vẫn có đủ gạo ăn cho hơn 85 triệu dân và vẫn còn thừa trên 4 - 5 triệu tấn gạo/năm để xuất khẩu, chưa kể hiện nay gạo từ Campuchia hàng năm qua Việt Nam cả triệu tấn và hơn triệu tấn bột mì nhập khẩu/năm được đưa vào cân đối lương thực.
Khả năng tiếp cận: cơ sở hạ tầng giao thông vận tải như đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ đã khá thuận tiện cho vận chuyển lương thực. Hiện nay tất cả các thành phần kinh tế đều đã tham gia kinh doanh lúa gạo trong nước, nên việc tiếp cận lương thực khá dễ dàng.
|
Lúa gạo từ các tỉnh ĐBSCL được chuyển về chợ đầu mối Bà Đắc (Tiền Giang). |
Yếu tố quan trọng nhất của bảo đảm ANLT là khả năng thanh toán, tức là người thiếu lương thực có tiền để mua gạo hay không. Các vùng thiếu gạo thường là vùng sâu vùng xa, vùng ven biển thường bị bão lụt, đặc biệt là đồng bào dân tộc, điều kiện sản xuất lúa gạo khó khăn. Họ thiếu tiền để mua lương thực. Trong hoàn cảnh này, nhà nước cần phải chuẩn bị một lượng lương thực để bán rẻ hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể phát không cho dân.
Vấn đề dự trữ lương thực cần phải có cơ chế riêng, nên tiếp tục giao Cục Dự trữ quốc gia đảm nhiệm (đã thực hiện nhiều thập kỷ trước đây), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi cân đối bảo đảm nhu cầu tiêu dùng lương thực trong nước và dự trữ một lượng gạo nhất định phòng khi xảy ra thiên tai, số gạo còn lại để xuất khẩu theo kinh tế thị trường. Trên thương trường, doanh nghiệp nào yếu kém sẽ tự phá sản.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, điều kiện sản xuất lương thực ngày càng hạn hẹp, nạn thiếu lương thực của thế giới có xu hướng tăng lên, thị trường tiêu thụ, giá cả lúa gạo có xu hướng ngày càng tăng. Lợi thế trong lưu thông lương thực nghiêng về người sản xuất.
Xuất khẩu gạo qua thị trường tập trung (thông qua đấu thầu của 2 Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam) đến 4 thị trường chính là Iraq, Indonesia, Cuba và Philippines là một chủ trương lớn của Chính phủ trong giải quyết lượng lúa hàng hóa trong dân. Nhất là khi lúa gạo tồn kho, giá thấp thì đây là nơi giải tỏa áp lực.
Nhưng với việc chốt lượng, chốt giá ngay thời điểm đấu thầu trong khi chân hàng tồn kho doanh nghiệp quá ít, phải đợi sau 3, 4 tháng đến kỳ thu hoạch mới thu mua, giao hàng cho khách, nếu giá gạo thế giới tăng cao, trong khi nông dân, hàng sáo và các nhà cung ứng trong nước bán theo giá thời điểm, hậu quả doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thua lỗ. Chính vì vậy, bên cạnh mặt tích cực, có lúc việc xuất khẩu gạo thông qua đấu thầu lại ảnh hưởng tới việc xuất khẩu gạo theo hợp đồng thương mại.
|
Cần đưa nhanh cơ giới vào thu hoạch lúa để giảm thất thoát sau thu hoạch. Ảnh: CAO PHONG |
Đổi mới
Tổng công ty lương thực, bao gồm tất cả công ty thành viên cần tiến tới việc cổ phần hóa. Khi đã cổ phần hóa thì toàn bộ cơ sở vật chất, tiền bạc là của cá nhân, họ sẽ tìm mọi cách kinh doanh có hiệu quả chính đáng. Tự doanh nghiệp sẽ lo tổ chức làm từ A đến Z, hài hòa lợi ích với nông dân, các doanh nghiệp hoàn toàn bình đẳng, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài có thể vào thu mua, chế biến xuất khẩu gạo hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tạo ra một hệ thống kinh doanh sôi động, đẩy mạnh khả năng tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cần mở rộng thành phần như có thêm viện, nhà quản lý bộ ngành, lãnh đạo một số tỉnh trồng lúa trọng điểm, đại diện hội Nông dân VN (hiện nay lãnh đạo Tổng công ty là thành viên Ban Chấp hành của Hội Nông dân VN). Trong đó khâu quan trọng là nhân sự để tổ chức nắm chắc thông tin, phân tích, tổng hợp để dự báo tình hình cung cầu thị trường, giá cả lương thực trong nước và thế giới; đồng thời thường xuyên thông báo cho bà con nông dân và các doanh nghiệp để định hướng sản xuất và điều tiết xuất khẩu có hiệu quả.
Chính phủ chỉ cần định hướng chỉ tiêu xuất khẩu gạo mỗi năm theo kết quả sản xuất trong nước. Nông dân, doanh nghiệp được vay vốn nhà nước với lãi xuất ưu đãi để tạm trữ lúa gạo khi thời vụ thu hoạch rộ, chờ thời bán khi có giá tốt. Nếu làm được việc này, giá lúa gạo của bà con nông dân và giá xuất khẩu gạo sẽ được cải thiện đáng kể.