Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ổn định thị trường đường: "chìa khóa" trong tay nông dân
14 | 10 | 2009
Cho dù cơn sốt nóng giá đường hiện nay bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng suy cho cùng, người nắm giữ “chìa khóa” để hóa giải không những chỉ cơn sốt nóng này, mà xa hơn nữa là việc bảo đảm cho toàn bộ ngành mía đường nước ta có thể tồn tại và phát triển ổn định trong tương lai cạnh tranh sẽ hết sức gay gắt lại chính là những người nông dân trồng mía.
Hai chữ “nếu”

Cho đến thời điểm này, cho dù các nhà quản lý vẫn “ông chẳng bà chuộc” về nguyên nhân của cơn sốt nóng giá đường hiện nay, bởi người thì nói tồn kho đường trong nước vẫn đủ đáp ứng nhu cầu, cho nên sốt nóng là do có tình trạng găm hàng chờ giá, cho nên đành bó tay, còn người khác thì lại bảo việc giá đường cao ngất ngưởng là hết sức vô lý, cho nên có thể xem xét cho phép nhập khẩu thêm cả vạn tấn, nhưng rõ ràng là ngay cả khi giải pháp “chữa cháy” này ngay lập tức có được sự đồng thuận, nhưng việc triển khai đương nhiên đòi hỏi phải có thời gian, cho nên việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chỉ là ở “thì tương lai”.
Tuy thực hư câu chuyện đủ hay thiếu đường hiện nay có lẽ chỉ có các nhà quản lý là rõ nhất, nhưng nếu nhìn xa hơn về phía trước, những “người ngoại đạo” cũng có thể phần nào đoán biết được phần nào câu chuyện này.

Bởi lẽ, các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với mức đỉnh 344,2 nghìn ha năm 1999, diện tích mía của nước ta niên vụ vừa qua chỉ còn 271,1 nghìn ha, tức là đã giảm tới trên 78,8 nghìn ha và gần 22,9%, còn so với niên vụ liền kề trước đó cũng giảm 22,3 nghìn ha và 7,6%. Xét về sản lượng, do trong cùng kỳ năng suất mía tăng từ 516,0 tạ/ha lên 594,9 tạ/ha, cho nên sản lượng mía chỉ giảm 1,632 triệu tấn và 9,2%, còn so với niên vụ liền kề trước đó thì giảm 1,269 triệu tấn và 7,3%, tương ứng với những khối lượng đường bị giảm không hề nhỏ.

Không những vậy, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng đường công nghiệp trong niên vụ vừa qua chỉ đạt 909 nghìn tấn, giảm tới gần 22% so với niên vụ liền kề trước đó. Chắc chắn, tình trạng “rơi tự do” như vậy của sản lượng đường công nghiệp không thể chỉ bắt nguồn từ việc sản lượng mía bị giảm do diện tích cho loại cây công nghiệp này bị thu hẹp như nói trên, mà còn do những động thái của thị trường đường “tiền sốt nóng” đã phát ra những tín hiệu thúc đẩy các lò đường thủ công nhập cuộc cạnh tranh gay gắt nguồn mía nguyên liệu của các nhà máy đường từ rất sớm để gia tăng sản lượng đường mật cung ứng cho thị trường. Việc sản lượng đường mật trong năm vừa qua tăng 78 nghìn tấn và đạt kỷ lục 1,636 triệu tấn chưa từng có đủ cho thấy điều đó.

Rõ ràng, việc nhập cuộc mạnh mẽ đó của các lò đường thủ công đương nhiên đã đẩy các nhà máy đường phải đối mặt với khó khăn “kép”. Một mặt, đó là nguồn mía nguyên liệu vốn đã bị thiếu hụt rất nặng nề lại càng thiếu hụt nặng nề hơn, khiến không ít nhà máy đường chỉ hoạt động được một nửa thời gian so với yêu cầu, và mặt khác, tình trạng thiếu mía nguyên liệu tất yếu “cộng hưởng” với tình trạng giá đường nóng dần để đẩy giá mía nguyên liệu tăng mạnh.
Trong khi đó, điều trớ trêu chính là ở chỗ, cho dù số lượng các nhà máy đường của nước ta đã được cắt giảm một bước, nhưng năng lực chế biến đã liên tục tăng mạnh trong bốn năm trở lại đây và hiện tổng công suất đã đạt kỷ lục gần 106 nghìn tấn mía cây/ngày, cho nên nếu đủ mía nguyên liệu thì sẽ không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà sẽ còn một khối lượng đường không hề nhỏ cần đẩy ra thị trường thế giới.

Tất cả những điều nói trên cho thấy, nếu “để mắt” đến diện tích mía và nếu nắm bắt kịp thời những động thái của thị trường đường thì hẳn cơn sốt nóng của thị trường đường những tháng qua khó có cơ để phát sinh và tình thế “đi mắc núi, trở lại mắc sông” hiện nay trong việc điều hành thị trường thuộc loại nhạy cảm này cũng khó có thể xuất hiện.

Phải “kéo nông dân vào cuộc”

Phát triển công nghiệp chế biến đường thì đương nhiên phải phát triển nghề trồng mía - đó là điều không ai không biết.

Mặc dù vậy, ít nhất là kể từ khi chương trình 1 triệu tấn đương kết thúc đến nay, đã gần một thập kỷ đã trôi qua, nhưng nghề trồng mía của nước ta tuy không phải là không có tiến bộ nhất định, nhưng vẫn ở trong tình trạng trồi sụt thất thường.

Trong đó, nét tiến bộ đáng ghi nhận và cũng là duy nhất là năng suất mía hầu như liên tục tăng kể từ khi chương trình 1 triệu tấn đường được khởi động đến nay. Đó là, thay vì 47,65 tấn/ha năm 1995, năng suất mía năm 2000 đã đạt 49,77 tấn/ha và rất đáng mừng là năm 2008 gần cán ngưỡng 60 tấn/ha, bình quân tăng 0,87%/năm và 2,25%/năm.

Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, với năng suất này, ngành nông nghiệp mía của nước ta vẫn còn ở “mức đáy” trong “vùng trũng” của thế giới. Bởi lẽ năng suất mía trung bình của thế giới hiện nay đã đạt ngưỡng 70 tấn/ha, trong đó châu Úc đạt 80 tấn/ha, Nam Mỹ đạt 75 tấn/ha và châu Á tuy thấp nhất, nhưng cũng đạt 65 tấn/ha. Do vậy, nếu như cả thế giới đều “đứng yên”, thì với kết quả đáng mừng nói trên, phải đến năm 2013 chúng ta mới đuổi kịp trình độ trung bình của châu Á, còn đến năm 2017 mới đuổi kịp trình độ trung bình của thế giới và phải đến năm 2023 mới đuổi kịp châu Úc. Đây rõ ràng là một thách thức không hề nhỏ, khi thời hạn buộc phải mở cửa thị trường đường của chúng ta theo các cam kết hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã rất gần.



Trong khi đó, do bị sức ép từ nhiều phía, diện tích dành cho cây mía liên tục trồi sụt thất thường và nghiêm trọng hơn nữa là theo hướng giảm dần như đã nói ở trên, dẫn đến sản lượng mía cũng ở trong tình trạng có lẽ đã đến mức đáng báo động. Sức ép đó một phần là bởi công cuộc công nghiệp hóa đất nước “đòi” một phần đất mía và phần khác là bởi các loại cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn.

Thế nhưng, cũng không thể không phủ nhận một thực tế khác có lẽ còn quan trọng hơn nữa là, cho dù đã có những nỗ lực từ phía các nhà máy đường trong việc phát triển các vùng mía nguyên liệu, nhưng suy cho cùng, những người nông dân vẫn là những người ngoài “cuộc chơi” của thị trường đường hiện nay. Bởi lẽ, như thực tế cơn sốt nóng đẩy giá đường lên mức kỷ lục chưa từng có hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp trong hệ thống phân phối “nhanh mắt, nhanh tay” tồn trữ đường và cả những nhà máy đường đón bắt được cơ hội này và có thực lực để găm hàng lại là được hưởng lợi lớn, còn những người nông dân trồng mía, do đã bán mía nguyên liệu từ lâu theo giá cả thị trường ở thời đoạn giá đường còn chưa bùng nổ, cho nên có chăng thì phải đợi đến vụ mía đường sau.

Điều này đương nhiên có nghĩa là, việc các nhà máy đường có đủ mía nguyên liệu hay không tùy thuộc rất lớn vào những suy đoán của chính những người nông dân đơn lẻ về triển vọng của thị trường đường trước khi quyết định có đặt hom mía xuống mảnh ruộng của mình hay không, hay là dành đất cho những cây trồng khác có triển vọng hơn. Sự “phập phù” của sản lượng mía cả nước như đã nói trên và vòng xoáy trồng - chặt chưa bao giờ dứt ở nước ta đủ cho thấy điều đó.

Tất cả những điều nói trên cho thấy, tiền đề để cho ngành mía đường tồn tại và phát triển bền vững trong điều kiện sẽ phải cạnh tranh khốc liệt trong một vài năm tới không những chỉ là ổn định các vùng mía nguyên liệu và tăng vọt năng suất mía, mà còn phải từng bước kéo những người nông dân vào “cuộc chơi” với tư cách của những người chủ. Đó trước hết là việc biến họ thành những cổ đông của các nhà máy đường để thực sự được hưởng quyền lợi trong sản xuất đường, đồng thời ràng buộc nghĩa vụ cung ứng mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, có lẽ cũng không thể không áp dụng cơ chế để những người nông dân có thể được hưởng lợi từ giá đường do những biến động của thị trường mang lại. Đó chính là những bí quyết khiến một quốc gia không lấy gì làm lớn như Thái lan xây dựng nên những nhà máy đường khổng lồ đứng đầu và trở thành cường quốc xuất khẩu đường thứ hai thế giới.

Bài viết đã đăng trên báo đầu tư số ra ngày 12/10/2009


Hồng Kim, Hoàng Nguyễn/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường