Có khoảng 80% gạo xuất khẩu thông qua hai đơn vị là tổng công ty Lương thực miền Bắc (tổng 1) và tổng công ty Lương thực miền Nam (tổng 2).
Giá gạo cao, nông dân không hưởng lợi
Ông Trương Văn Ảnh, giám đốc công ty Lương thực Long An thừa nhận: “Việc thu mua lúa hầu hết vẫn phải phụ thuộc vào thương lái, nhà máy xay xát”. Chính vì không thể “vươn” tới nông dân, nên những đợt mua lúa gạo dự trữ vừa qua, cơ chế xác lập mức lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân hết sức mù mờ. Mức 30% này dựa trên cách tính toán chi phí giá thành đầu vào chứ không căn cứ vào giá thành gạo xuất khẩu của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, vụ hè thu năm nay, trên cơ sở tính toán chi phí giá thành sản xuất lúa 2.800 – 2.900đ/kg của bộ Tài chính, doanh nghiệp mua lúa 3.800đ/kg, mức giá này được coi là đảm bảo lợi nhuận 30% cho nông dân. Nhưng doanh nghiệp không mua lúa, mà mua gạo với mức giá sao cho quy đổi được ra giá lúa 3.800đ/kg.
Cơ chế trên khiến nông dân không được hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu tăng. Theo tính toán, ngay thời điểm này, giá thành gạo xuất khẩu là 7.200đ/kg gạo 5% tấm, tương đương khoảng 380 USD/tấn; gạo 10%, 15% tấm khoảng 346 đến 370 USD/tấn.
So với giá xuất khẩu gạo trung bình từ đầu năm đến nay mà hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố là 409 USD/tấn, thì một tấn gạo, doanh nghiệp lời trên dưới 30 USD, tương đương 540.000đ. Trường hợp giá gạo xuất khẩu tăng trên 409 USD/tấn, doanh nghiệp cũng chỉ mua lúa với giá lúa “đảm bảo lợi nhuận tối thiểu” cho nông dân là 3.800đ/kg.
Doanh nghiệp hưởng lợi hai đầu
Ngoài việc hưởng lợi từ cơ chế xác lập mập mờ giá thành mua lúa, tổng 1 và 2 còn được chia nhau những hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Lượng gạo hàng năm xuất theo hợp đồng tập trung chiếm hơn một nửa tổng sản lượng gạo xuất khẩu.
Khi xuất gạo tập trung, doanh nghiệp vừa bán được giá cao (thông thường chênh lệch 50, thậm chí 100 USD/tấn so với bán thương mại), lại vừa có thể mua hàng giá ưu đãi từ chính nước mua gạo.
Chẳng hạn, khi bán gạo cho Indonesia, Philippines hay Cuba, doanh nghiệp sẽ được mua sản phẩm hoa quả, phân bón, lúa mì... với mức giá ưu đãi theo thoả thuận hàng đổi hàng trong hợp đồng tập trung.
Để những khoản lợi nhuận nói trên được san sẻ lại cho nông dân, theo ông Bùi Chí Bữu, viện trưởng viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: “Giới kinh doanh gạo phải bỏ tiền đầu tư máy sấy, máy gặt, xay xát, lau bóng và hơn hết phải mua lúa ngay khi còn ngoài đồng”.
Ông Trương Thanh Phong, tổng giám đốc tổng 2 cho rằng, cơ chế tốt nhất hiện nay, là doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành lập quỹ góp phần nâng chất hạt gạo.
Nguồn quỹ này được trích từ chính hoạt động xuất khẩu gạo, có thể là 1 USD/tấn, nếu xuất 5 triệu tấn thì quỹ có được 5 triệu USD mỗi năm và sẽ dùng để cho nông dân vay không lãi phục vụ sản xuất. Đồng thời, nguồn quỹ được dùng để đặt hàng lai tạo ra giống lúa chất lượng có thương hiệu.