Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giúp nông dân thu hoạch kịp thời, bảo đảm chất lượng cà-phê
17 | 11 | 2009
Mặc dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch cà-phê niên vụ 2009 - 2010, nhưng người trồng cà-phê ở Ðác Nông đã "chạy đôn, chạy đáo" tìm thuê nhân công thu hoạch. Vì thời gian thu hoạch cà-phê ngắn, phải chọn quả chín, thu hoạch nhanh khiến nhiều rẫy cà-phê "khát" nhân công.

Dù năm nay giá cà-phê xuống thấp, từ 24.000 đến 26.000 đồng/kg và nhiều vườn cà-phê mất mùa do mưa nhiều, sâu bệnh nhiều vườn cà-phê đã già cỗi... nhưng do thiếu lao động thu hoạch nên giá thuê nhân công tăng cao. Những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, về các huyện trọng điểm cà-phê của tỉnh Ðác Nông như Ðác Min, Ðác Song, Ðác R'lấp và thị xã Gia Nghĩa, người dân ở đây đang "chạy đôn, chạy đáo" thuê nhân công thu hoạch. Theo các nông dân Nguyễn Văn Dậu, Ðặng Thanh Hùng ở xã Thuận An, huyện Ðác Min; Vi Văn Sáng, Ðậu Văn Cường ở xã Thuận Hạnh, huyện Ðác Song; Nguyễn Thị Thơm, Chu Văn Duẩn ở xã Nhân Cơ, huyện Ðác R'lấp... mặc dù hiện nay mới vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá thuê nhân công đã đội lên cao hơn những năm trước từ 15.000 đến 30.000 đồng, trung bình 90.000 đến 100.000 đồng/người/ngày, bao luôn ăn uống. Theo dự đoán của những nông dân này, nếu vào thời điểm thu hoạch rộ thì giá nhân công sẽ còn tăng cao hơn.


 Tại bến xe Gia Nghĩa, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Bằng, ở xã Ðác R'moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Ðác Nông đang chờ tìm người thu hoạch cà-phê. Trò chuyện với chúng tôi, anh Bằng nói trong tâm trạng lo lắng: "Tôi đã chờ ở đây ba ngày rồi, nhưng vẫn chưa tìm được người nào. Các năm trước, giá nhân công rẻ, lại dễ tìm, lúc nào cần chạy xe ra đây là thuê được người ngay. Còn năm nay, mới vào đầu vụ thu hoạch, giá nhân công đã cao, lại không có người để thuê. Không biết khi vào thời điểm thu hoạch rộ tìm đâu ra người đây?".


Ðến xã Nhân Cơ, huyện Ðác R'lấp, việc tìm người thu hoạch cà-phê đang là chuyện "thời sự" của người dân ở đây. Khi chúng tôi vừa đến chợ Nhân Cơ thì cũng lúc này, một chiếc xe khách bắc-nam đỗ xịch bên đường, năm thanh niên trên xe vừa bước xuống liền bị hàng chục người dân, lái xe ôm xúm lại vây quanh hỏi có đi hái cà-phê thuê không. Một thanh niên tên Tài cho biết, các anh quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, vừa qua do cơn bão số 9 tàn phá nặng nề nên các anh rủ nhau lên đây đi hái cà-phê thuê để kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Nhưng khi được hỏi các anh lấy tiền công bao nhiêu mỗi ngày? Anh Tài đáp: Nếu thuê từng ngày thì một ngày 90.000 đồng/người, còn nếu thuê cả tháng thì 2,5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù với giá nhân công cao như vậy, nhưng chỉ trong giây lát các anh đã được người dân đồng ý thuê. Ông Hoàng Văn Tuấn, ở xã Ðác Wer vừa thuê được thanh niên tên Tài cho biết: "Gia đình tôi làm được 3 ha cà-phê, hiện nay cà-phê trên rẫy đã chín, nhưng vẫn chưa thuê được người nào để ở giữ. Vì vậy, năm nay giá thuê nhân công có cao hơn năm trước, nhưng cũng phải thuê chứ để lâu còn thiệt hại hơn nhiều".


Về Ðác Min, huyện trọng điểm trồng cà-phê của tỉnh Ðác Nông, chuyện thuê nhân công hái cà-phê càng "nóng" hơn. Tại thị trấn Ðác Min, chúng tôi gặp anh Phan Văn Hà ở xã Ðác Sắc ra tìm thuê người hái cà-phê. Anh Hà cho biết: "Năm nào cũng vậy, đầu vụ thu hoạch là tôi ra bến xe huyện để tìm thuê người, cứ thấy ai vừa xuống xe, mang ba-lô là đến hỏi, nhưng đã năm ngày nay mới thuê được hai người, còn tìm thêm tám người nữa. Bởi gia đình tôi làm 5 ha cà-phê, bình quân mỗi năm thuê khoảng 15 lao động khỏe mạnh vừa canh giữ vườn cà-phê, vừa thu hoạch. Nhưng năm nay giá nhân công cao quá, từ 90.000 đến 100.000 đồng/người/ngày nên chỉ thuê khoảng 10 người thôi. Thế nhưng vẫn tìm không ra người để thuê. Trong khi đó, vườn cà-phê đang độ chín, cần có người canh giữ và thu hoạch nếu không sẽ bị mất cắp".


Tại ngã ba xã Ðức Mạnh, huyện Ðác Min, mỗi ngày có không dưới 10 người đến tìm thuê nhân công. Anh Trần Thanh Hoàng, một người dân ở xã Ðức Minh đang tìm người ở đây tâm sự: Hơn một tuần nay, đây là lần thứ tư tôi lặn lội ra đây tìm thuê nhân công thu hoạch cà-phê, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được người nào. Do khan hiếm nhân công nên giá thuê mấy ngày qua đã đẩy lên quá cao, cao hơn năm trước 20.000 đồng/người/ngày. Biết vậy, nhưng đành chấp nhận, người ta sao mình vậy, chứ kỳ kèo thì không thuê được người, trong khi vườn cà-phê đã chín, không may bị kẻ gian hái trộm thì còn thiệt hại hơn nhiều!".


Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Ðác Min Lữ Chí Cường cho biết: Toàn huyện hiện có 18.420 ha cà-phê kinh doanh, sản lượng năm nay ước đạt hơn 40 nghìn tấn. Ðể thu hoạch hết sản lượng cà-phê này, ngoài lao động là người địa phương, huyện cần thêm từ 20 đến 30 nghìn lao động mùa vụ ngoài tỉnh. Hiện nay đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, nhưng lao động tỉnh ngoài đến vẫn chưa nhiều. Do thiếu lao động mùa vụ nên giá nhân công năm nay tăng cao hơn so với năm trước từ 15% đến 30%. Ðiều đáng lo nhất hiện nay là do chưa thuê được nhân công để giữ vườn cà-phê, nhiều người dân sợ bị kẻ gian hái trộm nên đã thu hoạch cà-phê xanh. Vì vậy, để bảo vệ vườn cà-phê cho nông dân, UBND huyện đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn phối hợp với công an huyện, huyện đội, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn và các ngành liên quan triển khai các phương án bảo vệ vườn cà-phê cho nông dân; nghiêm cấm các đại lý, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thu mua cà-phê quả tươi xanh, non trước khi vào thời điểm thu hoạch rộ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc kể cả việc tịch thu và tiêu hủy sản phẩm không đạt chất lượng hàng hóa theo quy định.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðác Nông, toàn tỉnh hiện có 71 nghìn ha cà-phê, với sản lượng trong niên vụ 2009-2010 này khoảng hơn 136 nghìn tấn. Ðể giúp người trồng cà-phê giảm bớt khó khăn trong vụ thu hoạch trong điều kiện thiếu lao động, UBND tỉnh Ðác Nông đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trồng cà-phê trên địa bàn tăng cường công tác quản lý vườn cây, bảo đảm an ninh trật tự trong suốt thời gian nông dân thu hoạch cà-phê, nhằm hạn chế việc nông dân sợ mất trộm, thiếu lao động mà hái cà-phê xanh như những năm trước đây vừa giảm năng suất cũng như chất lượng cà-phê của tỉnh. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thay đổi thói quen thu hái cà-phê đồng loạt với tỷ lệ quả xanh nhiều hơn quả chín bằng việc thu hái đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn ngành 10TCN 100-88, kết hợp với các biện pháp bảo quản tốt sau thu hoạch để có sản phẩm cà-phê nhân đáp ứng tốt với tiêu chuẩn TCVN4193:2005...



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường