Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không có thông tin gạo bị phá giá
18 | 11 | 2009
“Không có thông tin chính thức về việc công ty con của Tổng công ty Lương thực Việt Nam ở Singapore bán phá giá xuất khẩu gạo”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết trong phần trả lời chất vấn tại Quốc Hội, sáng nay.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng
Hàng loạt vấn đề xung quanh việc điều hành xuất khẩu gạo, quản lý thị trường thực phẩm, việc nhập khẩu thịt bẩn, điều hành giá xăng dầu, quản lý, xử phạt thị trường phân bón… được các đại biểu đưa ra chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Cho biết đã nhận được hai văn bản trả lời của Bộ trưởng Công Thương nhưng đại biểu Lê Thanh Liêm vẫn phải chất vấn thêm để làm rõ việc vì sao Hiệp hội Lương thực Việt Nam đột ngột ra lệnh ngừng xuất khẩu gạo trong năm 2008 khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao. Đến khi giá gạo thế giới giảm thì lại cho ồ ạt xuất khẩu. Phải chăng Hiệp hội có vấn đề trong việc điều hành?

Ông Liêm cũng đề nghị làm rõ hoạt động của công ty được coi là sân sau của Tổng công ty lương thực miền Nam trong việc xuất khẩu gạo. Có chăng hiện tượng bán phá giá?

Xuất khẩu gạo là vấn đề, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, luôn được cử tri cả nước quan tâm từ kỳ họp Quốc hội thứ IV và V đến nay. Việc dừng xuất khẩu gạo cũng có nguyên nhân từ việc rét đậm kéo dài kéo theo lo ngại ảnh hưởng đến năng suất lúa. Quyết định ngừng xuất khẩu đưa ra rơi đúng vào thời điểm giá gạo thế giới tăng cao. “Tôi cũng thú thật không có thông tin gì về việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam có vấn đề gì trong việc ngừng xuất khẩu gạo.

Tin bài liên quan


>> Xuất khẩu gạo: Vẫn phải 'lụy' VFA

>> Trưởng bán gạo cho phó = xuất khẩu

>> Lợi ích nông dân cao sẽ ảnh hưởng giá tiêu dùng?
>> Phải cắt sân sau, bỏ đặc quyền
>> Đặc quyền lãi lớn, nông dân chầu rìa

Ông Hoàng cho rằng việc Tổng công ty Lương thực Việt Nam lập công ty con để hoạt động ở Singapore thì đây là đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT quản lý chứ không phải Bộ Công Thương. Nhưng theo quy định của luật pháp chúng ta không những khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào Việt Nam mà còn khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Vì vậy việc Vinafood lập công ty ở nước ngoài là phù hợp quy định của pháp luật. Hơn nữa khi đầu tư ra nước ngoài Vinafood phải được sự chấp thuận của Bộ chủ quản là Bộ NN&PTNT và Bộ KH-ĐT.

Ông Liêm nói thẳng: “Tôi không hỏi Bộ NN&PTNT mà tôi hỏi Bộ Công Thương là công ty con của Vinafood ở Singapore có bán phá giá gạo xuất khẩu hay không?”.

Giải trình đề nghị của ông Liêm, Bộ trưởng Công Thương cho rằng theo quy định của Hiệp hội Lương thực thì khi xuất khẩu gạo không được bán thấp hơn giá sàn, kể cả các doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Việt Nam. “Tôi cũng thưa thật không có thông tin chính thức về việc công ty con của Tổng công ty Lương thực Việt Nam ở Singapore bán phá giá xuất khẩu gạo”- Ông Hoàng nói.

Bổ sung thêm thông tin về hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết công ty ở Singapore là công ty trực thuộc sở hữu nhà nước của Tổng công ty Lương thực miền Nam chứ không phải do một nhóm người móc nối với bên ngoài để thành lập công ty như tin đồn. Vừa rồi cũng có thông tin một doanh nghiệp bán giá thấp hơn giá xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực.

Đồng chí Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng đã có giải thích với báo chí là doanh nghiệp này bán giá thấp nhưng không phải thấp hơn giá sàn. Thường trực Hiệp hội đã có xử lý với vụ việc này nên chúng tôi không kiểm tra nữa. Nhưng với phản ánh của các đại biểu chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra lại.

Từng chất vấn khá kỹ về điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực tại kỳ họp trước, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) tiếp tục đưa ra các dẫn chứng cho thấy dù lượng gạo xuất khẩu tăng 36% nhưng giá trị không tăng.

Ông đặt vấn đề có phải do có tới 205 doanh nghiệp cùng tham gia xuất khẩu gạo trong khi ở Thái Lan chỉ có hơn 10 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu gạo đã dẫn đến việc doanh nghiệp cạnh tranh nhau, bán phá giá. Vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương thế nào?

Người đứng đầu ngành công thương giải thích chúng ta dự kiến xuất khoảng 6 đến 6,2 triệu tấn gạo trong năm 2009, lượng xuất khẩu tăng đến 30% so với năm ngoái, nhưng giá không tăng là do ảnh hưởng của thị trường bên ngoài.

Còn việc doanh nghiệp nhiều có cạnh tranh về giá hay không thì cần phải làm rõ là hiện có 205 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhưng việc xuất khẩu chính vẫn là do 11 doanh nghiệp thực hiện. Còn lại là các doanh nghiệp xuất khẩu với số lượng nhỏ, trong đó có tới 57 doanh nghiệp mỗi năm xuất khoảng 10.000 tấn gạo. Doanh nghiệp nhiều cũng góp phần tiêu thụ gạo cho nông dân.

Ông cũng thừa nhận mặt trái của vấn đề là cũng có doanh nghiệp không có kinh nghiệm kinh doanh lúa gạo, không có kho chứa nên dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, gây thiệt hại cho nông dân. Tới đây sẽ thắt chặt hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và coi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Giá sàn xuất khẩu cũng sẽ được thay đổi và Bộ Tài Chính, Công Thương, NN&PTNT sẽ thống nhất để đưa ra mức giá chung.

“Giá thu mua được đảm bảo cho nông dân có lãi 30% và không dưới 3.800 đồng đối với lúa vụ Hè Thu. Đây là mức giá do ngành tài chính đưa ra”- Ông Hoàng cho biết.

"Đính chính" ngay lập tức thông tin của người đồng nhiệm ngành công thương, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết về giá sàn thu mua lúa, sẽ bàn thảo kỹ và thậm chí mời cả báo chí cùng tham gia đóng góp. Bộ sẽ có kiến nghị có chính sách hỗ trợ lãi suất cho bà con để tránh tình trạng phải bán lúa non.

Cùng với đó cũng sẽ có chính sách để cho hai tổng công ty lương thực để họ có ngân sách thực hiện thu mua lúa cho nông dân. Nhưng quan điểm của chúng tôi là không quay về cơ chế bao cấp, lấy ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp nữa. Tháng tới chúng tôi sẽ trình Chính phủ thông qua.

“Giá 3.800 đồng/kg lúa không phải do Bộ Tài chính công bố mà đây là mức giá khảo sát và tổng hợp từ các địa phương được Hiệp hội lương thực công bố”- Ông Vũ Văn Ninh nói.

Phân bón giả: Sang năm mới có quy chế xử lý

Trong phần trả lời chất vấn sáng nay, ông Hoàng cũng nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm trễ trong soạn thảo các quy định xử lý đối với việc kinh doanh phân bón giả hoành hành.

Ông cho rằng trước khi xử lý được phân bón giả thì phải xây dựng được tiêu, quy chuẩn quy định về phân hữu cơ. Mà đây là việc cần sự phối hợp của nhiều Bộ ngành chứ không phải trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương. Khi đã có bộ khung thì mới xử lý được.

“Xin hứa trong thời gian sớm nhất có thể được, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thành Nghị định về xử phạt đối với việc kinh doanh phân bón giả để Chính phủ ký ban hành. Cũng phải nói chúng tôi không có bất cứ lý do nào để nương nhẹ cho các doanh nghiệp làm phân bón giả”- Ông Hoàng khẳng định.

Tiếp tục truy vấn, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị cần làm rõ hơn nữa các công việc cần thực hiện để xử lý việc kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng chứ không thể nói chung chung được.

Bộ trưởng Công Thương cho biết: “Với quyết tâm của tôi thì chậm nhất là quý II/2010 sẽ trình Chính phủ thông qua. Chúng ta chỉ chấm dứt nhập khẩu qua trung gian khi chúng ta tự sản xuất được”.

Ông cũng dẫn chứng thị trường phân bón hiện nay có nhiều vấn đề. Một số loại chúng ta đã chủ động sản xuất được nhưng một số loại vẫn phải nhập khẩu. Ví dụ về phân đạm hiện chúng ta có Đạm Phú Mỹ và hai nhà máy đạm ở Ninh Bình. Đến 2015 chúng ta sẽ có thừa để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân. Về phân DAP chúng ta cũng có xây dựng một nhà máy công suất 300.000 tấn và trong thời gian tới sẽ không còn tình trạng thiếu như hiện nay.

“Riêng về thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật thì chưa thể xác định được đến bao giờ có thể chấm dứt việc nhập khẩu. Chúng tôi sẽ xem xét lại việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này”- Ông Hoàng hứa.

Vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhập thịt bẩn, việc nội địa hóa ngành cơ khí cũng là các vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhắc lại việc bánh trung thu dù đã được đóng dấu nhưng khi kiểm tra thì phát hiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Về việc bánh trung thu bị mốc vẫn được đưa ra thị trường, ông Hoàng cho biết Bộ chỉ có chức năng kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là do cơ quan khác quản lý, “đổ” cho Bộ là không đúng.

Truy tiếp việc thịt bẩn dường như được nhập lậu vào Việt Nam khá dễ dàng, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đưa ra hàng loạt con số chứng minh thịt bẩn đang ồ ạt chạy vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2009 đã nhập khẩu tới 57.206 tấn thịt. Hiện có hàng trăm container thịt bẩn nằm ở các cảng không ai đến nhận “Vì sao Bộ cho nhập thịt bẩn vào Việt Nam ngày càng tăng”- Ông hỏi.

Trả lời ngắn gọn vấn đề, người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định Bộ không cấp giấy phép nhập khẩu thịt cho doanh nghiệp nào cả, đặc biệt là nhập khẩu thịt bẩn. Theo quy định của thế giới, thịt là mặt hàng nhập khẩu không cần giấy phép. Vì vậy các doanh nghiệp có năng lực là có thể nhập khẩu.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường