Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ cho ngành chế biến gỗ Việt Nam
07 | 08 | 2007
Để duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm hướng xây dựng nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ cho ngành gỗ Việt Nam.

Mặc dù năm 2006, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 2 tỷ USD, nhưng trong đó có trên 1 tỷ USD chi phí cho nhập khẩu gỗ nguyên liệu, các phụ kiện, máy móc sử dụng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, còn bản thân nguồn gỗ trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm hướng xây dựng nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ cho ngành gỗ.

Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho biết, việc phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu chính là yếu điểm lớn nhất của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay. Do không chủ động về nguồn hàng nên các doanh nghiệp này đều phải tuân theo sự trồi sụt của thị trường gỗ thế giới.

Hiện cả nước có trên 300 doanh nghiệp thì cũng có chừng đó đầu mối mua hàng, do không tập trung nên số lượng các đơn hàng thường nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thời gian giao hàng của đối tác, tốn nhiều công sức, tiền bạc để làm thủ tục hải quan.

Trong thời gian tới, việc thành lập 3 trung tâm giao dịch gỗ tại miền Bắc, Trung và Nam là một trong những ưu tiên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh gỗ xem xét, đặt mua các loại gỗ nguyên liệu tại các sàn giao dịch này thay vì tự tìm kiếm nguồn hàng như trước nhằm tiết kiệm chi phí giao dịch. Song về lâu dài, việc tạo nguồn nguyên liệu trong nước mới được coi là chiến lược dài hạn để phát triển ngành gỗ.

Tính tới nay, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu ha rừng trồng sản xuất với trữ lượng 30,6 triệu m3 gỗ, nhưng phần lớn đã được quy hoạch cho ngành chế biến giấy, sợi, ván dăm và gỗ trụ mỏ. Phần lớn diện tích đất rừng còn lại chưa được sử dụng lại nghèo dinh dưỡng, xa nhà máy chế biến, cơ sở hạ tầng yếu kém... nên việc đưa diện tích này vào quy hoạch nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thời gian qua chưa quan tâm đúng mức đến các loại cây có giá trị cao nên dù trữ lượng rừng trồng lớn song lại rất hạn chế trong việc đưa vào chế biến xuất khẩu. Cùng với đó là sự thiếu thống nhất trong quy hoạch mạng lưới chế biến với quy hoạch vùng nguyên liệu.

Giải pháp cơ bản để Việt Nam có thể chủ động được nguồn nguyên liệu trong vòng 10-15 năm nữa chính là có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ trực tiếp đầu tư xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu với quy mô hàng chục nghìn ha. Theo định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu giai đoạn 2006-2020, diện tích rừng trồng sản xuất có thể sử dụng cho nguyên liệu gỗ hiện khoảng 720.000 ha, sẽ được khai thác trắng (bình quân 103.000 ha/năm).

Tuy nhiên, không chỉ có vấn đề nguyên liệu mà khắc phục lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ của các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay cũng là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam có thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong thị trường đồ gỗ trị giá 250 tỷ USD của thế giới.


(Nguồn: Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường