Nhấp chuột mua bán gạo
Sàn giao dịch gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thành lập trên cơ sở xây dựng một chợ gạo có diện tích 20 ha đặt tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Hiện nay có 30 doanh nghiệp đã đăng ký giao dịch qua sàn. Sau khi khai trương, sàn giao dịch gạo sẽ ưu tiên cho các hợp đồng mua bán giao ngay, về lâu dài sẽ tiến tới giao dịch mua bán giao chậm.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết đây là mô hình được nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trông đợi. Sàn nhằm giúp nông dân định giá sản phẩm và từ đó tránh những đợt biến động giá thất thường gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Thông qua sàn sẽ tập cho nông dân nâng cao chất lượng lúa gạo để nâng cao sức cạnh tranh của xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Trịnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết phương thức hoạt động của sàn giao dịch lúa gạo về cơ bản cũng giống như các sàn giao dịch chứng khoán, vàng, cà phê... Theo đó, những ai có nhu cầu mua bán lúa gạo đều có thể tham gia sau khi có tài khoản tại sàn giao dịch. Nông dân chỉ cần ngồi tại nhà nhấp chuột máy tính là có thể bán được lúa gạo.
Chưa kể là sàn giao dịch lúa gạo sẽ góp phần hình thành thị trường lúa gạo minh bạch, liên thông, giảm được cơ chế xin cho trong xuất khẩu gạo. Thị trường lúa gạo càng công khai, minh bạch thì nông dân, doanh nghiệp càng có lợi. Hiện nay nông dân gặp nhiều bất lợi do luôn thiếu thông tin thị trường nên lợi nhuận không cao, thậm chí bị lỗ.
Thói quen cũ: Rào cản đáng sợ
Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Chủ tịch VFA, cho biết sáng kiến lập sàn giao dịch được coi là mới trong kinh doanh lúa gạo. Đến nay trên thế giới vẫn chưa có sàn giao dịch đúng nghĩa của ngành này. Ngay cả Thái Lan được xem là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng vẫn chưa có sàn giao dịch lúa gạo.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng khó để sàn giao dịch lúa gạo đem lại hiệu quả như nhà tổ chức mong muốn. Mua bán trên sàn đòi hỏi người giao dịch phải rành máy tính, công nghệ thông tin... nhưng đến nay chẳng có mấy nông dân thông thạo lĩnh vực này để giao dịch. “Ý tưởng thành lập chợ gạo mà còn làm chưa xong thì đến việc thành lập sàn giao dịch lúa gạo rất khó khả thi” - ông Trí khẳng định.
Đến nay, ngoài thông tin lập sàn được công bố, nhà tổ chức vẫn chưa đưa ra công khai bất cứ thông tin gì liên quan đến sàn giao dịch này. Thậm chí những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất như khung pháp lý, quy chế giao dịch, hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu... cũng chưa có. Trong khi muốn thành lập một sàn giao dịch trước tiên phải có sự đồng ý của Chính phủ. Chưa kể giá giao dịch của sàn phải được các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp công nhận thì mới có giá trị.
Trên thực tế, ý tưởng thành lập sàn giao dịch lúa gạo không phải là mới trong ngành nông sản. Năm 2002, sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ (TP.HCM) cũng đã ra mắt. Năm 2008 sàn giao dịch cà phê ra đời tại Buôn Ma Thuột (Dăk Lăk). Sự ra đời của các sàn giao dịch này được dân trong ngành hy vọng sẽ tạo ra bước tiến mới, tuy nhiên hiệu quả đem lại không như mong đợi. Sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ sau một thời gian hoạt động đã phải đóng cửa. Còn sàn giao dịch cà phê với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng và hàng chục nhân viên nhưng sau một thời gian hoạt động, khối lượng hàng giao dịch trên sàn còn thua cả một đại lý cà phê cấp ba ở vùng sâu, vùng xa.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thừa nhận mô hình giao dịch lúa gạo qua sàn không chỉ mới mẻ với nông dân mà ngay cả đối với doanh nghiệp kinh doanh gạo. Cho nên việc thay đổi thói quen mua bán lúa gạo trực tiếp như từ xưa tới nay bằng mua bán qua sàn, qua mạng không hề dễ dàng, thậm chí là điều không thể thực hiện tại thời điểm này.
Việt Nam dự thầu 600.000 tấn gạo tại Philippines Vào ngày 1-12, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia dự thầu 600.000 tấn gạo do Philippines mở. Trước đó, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo 25% trong gói thầu thứ nhất của nước này với giá 480 USD/tấn. |