Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người trồng cà phê mất 500 tỉ đồng
01 | 12 | 2009
Sản lượng cà phê giảm mạnh, nông dân trồng cà phê tại các tỉnh ở Tây Nguyên bị mất khoảng 500 tỉ đồng trong niên vụ này.

Sản lượng giảm, giá “lao dốc” trong khi chi phí đầu vào tăng khiến hàng chục ngàn hộ dân trồng cà phê ở Tây Nguyên khóc ròng.

Vì những lý do trên, theo một thành viên hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), nông dân trồng cà phê tại các tỉnh ở Tây Nguyên bị mất khoảng 500 tỉ đồng trong niên vụ này.

Người trồng hết lãi

Niên vụ này sản lượng cà phê giảm mạnh do sâu bệnh gia tăng, nhiều vườn cà phê thoái hoá, thời tiết không thuận lợi, bão số 9 vừa qua đã làm rụng quả nhiều... Vicofa nhận định, sản lượng cà phê trong niên vụ này giảm 20 – 30% so với niên vụ trước.

Tuy nhiên, nông dân ở một số vùng cho rằng, thực tế sản lượng giảm nhiều hơn so với con số mà hiệp hội đưa ra. Ông Trần Viết Thuận và nhiều nông dân trồng cà phê tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho hay, hiện người dân đang thu hoạch rộ nhưng sản lượng giảm tới 50% so với vụ trước. “Nếu như mọi năm, 1ha cà phê cho thu hoạch từ 4,5 – 5 tấn cà phê nhân (tương đương 20 – 25 tấn cà phê tươi) thì niên vụ này chỉ thu được khoảng 2 – 2,5 tấn nhân”, ông Thuận cho biết.

Ông Lương Xuân Tự, chủ tịch Vicofa tính toán, để làm ra 1kg cà phê, chi phí mà người trồng bỏ ra là 20.500đ. Do vậy, phải bán với giá 25.000đ/kg người trồng mới có lãi. Tính toán này dựa trên cơ sở năng suất đạt trung bình 4,5 – 5 tấn/ha. Thực tế trong niên vụ này người trồng nhiều vùng chỉ được 50 – 60% sản lượng, thêm vào đó giá từ đầu vụ tới nay chỉ dao động từ 24.000 – 24.400đ/kg. Đó là chưa kể, nông dân còn phải đối diện với tình trạng thiếu nhân công hái cà phê và nạn trộm hoành hành.

Ăn xổi?

Tại công ty cà phê Thắng Lợi (Dăk Lăk) – một trong những doanh nghiệp sản xuất cà phê có chất lượng hàng đầu ở Việt Nam – tỷ lệ cà phê sàng 13 (loại R2) niên vụ này chiếm tới 55,5%. Ông Nguyễn Xuân Thái, giám đốc công ty cho biết: Sản lượng cà phê hao hụt ngoài lý do sâu bệnh, thời tiết bất lợi… còn do người trồng lẫn doanh nghiệp vẫn giữ thói quen “ăn xổi”.

Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng ký hợp đồng trừ lùi (áp dụng cho các hợp đồng giao sau, nhà nhập khẩu thường ứng trước 70% số tiền của hợp đồng cho nhà xuất khẩu, phần còn lại được tính toán khi giao hàng và chốt giá dựa vào giá cà phê giao dịch trên thị trường kỳ hạn London). “Có thời điểm trừ tới 250 – 300 USD. Mức này doanh nghiệp cầm chắc lỗ”, ông Thái nói.

Thêm vào đó, người trồng do thiếu điều kiện thu hái và để tiết kiệm chi phí đã thu hái đại trà cả xanh lẫn chín. Sau đó phơi trên tất cả những khoảng không gian có thể tận dụng (nền đất, lòng đường…) khiến tỷ lệ hạt cà phê chất lượng thấp ở mức cao, khiến các nhà nhập khẩu nước ngoài vịn vào cớ đó tìm cách ép giá, đẩy giá cà phê của Việt Nam xuống thấp.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường