Leo cao theo giá đường
|
Người dân đang phải chịu giá sữa tăng theo giá đường. (Ảnh: N.N) |
Căng thẳng nguồn cung đường và biến động tỷ giá là hai lý do chủ chốt mà doanh nghiệp sữa lớn trên thị trường là Vinamilk đưa ra lý giải cho việc điều chỉnh giá hầu hết sản phẩm hồi đầu tháng 12/2009.
Theo đó, ngoại trừ dòng sản phẩm sữa tiệt trùng, các dòng sản phẩm còn lại của Vinamilk từ sữa bột, sữa chua, sữa đặc… đều có mức tăng giá khoảng 6% so với trước.
Giá nhiều sản phẩm sữa của Vinamilk chỉ tăng 6% đợt này, nhưng một số điểm kinh doanh làm tròn thành... 10% |
“Mức tăng 6% lần này là chưa bù đắp nổi chi phí” - bà Bùi Thị Hương – GĐ Đối ngoại của Vinamilk cho biết.
Theo bà Hương, khủng khiếp nhất hiện nay là mức tăng 100% của giá đường trong nước so với đầu năm. Trong khi mỗi tháng Vinamilk sử dụng trung bình hết 7.000 tấn đường thì thời gian qua, hầu như không một doanh nghiệp đường lớn nào có thể cung cấp được cho hãng.
“Nhà nước hạn chế quota nhập khẩu đường để bảo vệ ngành mía đường trong nước, ví dụ nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp vào khoảng 90.000 tấn đường/năm thì chỉ được nhập hơn 1/3, số còn lại phải mua trong nước. Nhưng trong nước lại không cung cấp được.
Vừa rồi, doanh nghiệp kêu quá, Nhà nước cấp quota nhập khẩu 5.000 tấn. Vậy mà tính tất cả các chi phí, giá đường mua trong nước (giá sỉ khoảng 18.000 đồng/kg) vẫn đắt hơn giá nhập về là 5.000 đồng/kg”.
Khi nguyên liệu đường chiếm đến 30% trong cơ cấu giá thành sản phẩm của Vinamilk, cùng với các chi phí đầu vào khác như biến động giá nguyên liệu sữa, tỷ giá đôla…, bà Hương ước tính, mức tăng phải từ 35-40% đợt này mới đủ bù đắp.
“Mặc dù đã cân nhắc rất kỹ, tích cực tham gia cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt nhưng thời gian tới, nếu giá đường không hạ nhiệt, chúng tôi sẽ phải tiếp tục tăng giá các sản phẩm” – đại diện Vinamilk khẳng định.
Tăng giá do nguyên liệu sữa
|
Ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu nhập khẩu, giá sữa có xu hướng tăng tiếp? (Ảnh: N.N) |
Từ ngày 1/1/2010, các sản phẩm của Hancofood cũng điều chỉnh tăng giá 10-15%, nhưng bà Kim Oanh – Tổng Giấm đốc Hancofood lại cho biết, nguyên nhân không phải xuất phát từ giá đường.
“Mức độ ảnh hưởng của giá đường đến doanh nghiệp chuyên về sữa bột như chúng tôi là rất nhỏ, mà cái chính là giá nguyên liệu sữa đã tăng gấp đôi, từ mức 1.800 USD/tấn hồi đầu năm, lên 3.800 USD/tấn hiện nay”.
Bà Oanh cũng cho rằng, mức tăng khoảng 10-15% đợt này mới là cầm chừng. Bởi sữa nguyên liệu tăng 100%, ít nhất doanh nghiệp phải tăng giá giá thành sản phẩm lên 30% mới chịu được.
“Đáng lẽ doanh nghiệp phải tăng giá từ tháng 11-12/2009, nhưng vì có cam kết không tăng giá trong năm nay nên phải cố chịu, để đến 1/1/2010. Tới lúc đó, chúng tôi sẽ có lộ trình tăng giá nhưng nhìn chung trong 30 ngày sẽ phải tăng hết toàn bộ các sản phẩm” – bà Oanh chia sẻ.
Báo cáo tình hình giá cả của Bộ Công Thương trong đó có mặt hàng sữa mới đây cũng cho thấy, tại thị trường châu Úc trong tháng 11, giá sữa bột gầy và nguyên kem có xu hướng tăng mạnh (500-800 USD/tấn).
Sữa bột gầy hiện ở mức 3.100-3.600 USD/tấn (tăng 78% so với đầu năm 2009 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2008); sữa nguyên kem hiện ở mức 3.400-3.600 USD/tấn (tăng 79% so với đầu năm 2009 và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2008).
Cùng với biến động tỷ giá đôla trong nước, báo cáo chỉ rõ dự báo giá sữa trong các tháng tới sẽ tăng nhẹ.