Theo chủ tịch Viện Nghiên cứu Cà phê và Ca cao Indonesia, Soetanto Abdoellah, sự sụt giảm về sản lượng trong năm nay sẽ ít hơn so với dự kiến ban đầu, tuy nhiên sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm thêm một năm nữa.
“Tôi dự đoán sản lượng năm tới sẽ giảm quanh mức 6%, tuy nhiên sẽ không thể giảm tới 10% được”, ông cho biết trước thềm hội nghị cà phê khu vực châu Á diễn ra tại miền nam Việt Nam.
Theo ông chủ tịch, tình trạng khô hạn có thể ảnh hưởng tới sự chín trái cà phê. Ông không nói thêm gì nhưng cho rằng những ảnh hưởng của El Nino có thể rất nhỏ bởi nó chỉ xảy ra ở khu vực phía nam xích đạo, trong khi hầu hết các khu vực trồng cà phê của Indonesia lại ở phía bắc.
Hiện tại Indonesia là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam.
Hồi đầu tháng này, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết hiện tượng El Nino sẽ làm ấm lên khu vực Thái Bình Dương và gây hạn hán ở khu vực Nam Á đến tận quý 1 năm 2010.
El Nino, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “bé trai”, là hiện tượng ấm lên một cách bất thường ở phía Đông Thái Bình Dương. Nó có sức tàn phá mạnh tới khu vực dọc châu Á Thái Bình Dương, gây hạn hán ở nhiều nơi và tạo ra các cơn bão mạnh ở các khu vực khác.
Hiện tượng El Nino lần gần đây nhất là năm 1998, xảy ra với cường độ mạnh, làm chết hơn 2.000 người, phá huỷ nhiều vụ mùa (do hạn hán), nhà máy và các mỏ (do cháy rừng) với tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ USD ở Australia và châu Á.
Xuất khẩu cà phê robusta của Indonesia từ các khu vực chính ở phía nam đảo Sumatra trong tháng 10 năm nay tăng 39,5% do nông dân bán hàng dự trữ.
Hiện cà phê robusta ở Indonesia đựơc trồng chủ yếu ở các tỉnh Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra. Hoạt động thu hoạch thường bắt đầu từ tháng 4 và rộ vào tháng 7 và 8 hàng năm.