Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây mía lo tìm đường
23 | 12 | 2009
Cơn sốt đường đang diễn ra trong hơn 1 tháng qua mà suy cho cùng, nguyên nhân của nó vẫn là thiếu mía nguyên liệu ở một nước nông nghiệp. Gần 15 năm qua, kể từ khi Chính phủ triển khai “Chương trình một triệu tấn đường tới năm 2000” vào năm 1995, tới giờ, các nhà máy đường vẫn cứ loay hoay xây dựng vùng nguyên liệu mía.

Nhìn từ Tây Ninh

Tây Ninh và Thanh Hóa là hai địa phương có diện tích mía lớn của hai miền Nam và Bắc, đồng thời đây cũng là hai địa phương tập trung nhiều nhà máy đường. Trong một cuộc họp mía đường gần đây, đại diện một trong ba nhà máy đường ở Tây Ninh, cho biết nếu đủ mía chạy hết công suất thì ba nhà máy đường ở Tây Ninh sản xuất ra ít nhất 20% sản lượng đường cả nước.  

Thế nhưng, diện tích mía ở Tây Ninh, lẽ ra phải tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy đường ở đây, thì lại giảm dần và bị nông dân bỏ mía quay sang trồng cao su, sắn mì, bắp. Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu tổng thể hiện trạng trồng mía ở Tây Ninh đã chỉ ra rằng yếu tố làm giảm diện tích mía ở vùng mía lớn nhất cả nước hiện nay, lại thuộc về năng suất mía.  

Chẳng hạn trong niên vụ chế biến 2007-2008, năng suất bình quân trên diện tích mía do một nhà máy đường đầu tư vùng nguyên liệu chỉ đạt 47 tấn/héc ta. Theo khảo sát của viện thì tuy có hộ sản xuất mía đạt năng suất trên 100 tấn/héc ta nhưng số hộ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 4%. Trong khi đó số hộ sản xuất mía đạt năng suất dưới 50 tấn/héc ta vẫn còn khá nhiều, chiếm tỷ lệ đến 32,5%.

Theo kết quả phân tích chi phí sản xuất mía, với năng suất mía dưới 50 tấn/héc ta thì nông dân chắc chắn lỗ; từ 50- 70 tấn/héc ta thì lãi trung bình khoảng hơn 1,6 triệu đồng/héc ta; từ 70- 100 tấn/héc ta lãi trung bình xấp xỉ 7 triệu đồng/héc ta. Chỉ khi năng suất mía đạt trên 100 tấn thì lãi mới thực sự cao.  

Với năng suất mía 50-70 tấn/héc ta, nông dân chỉ lãi 1,6 triệu đồng/héc ta khiến họ bỏ mía sang trồng sắn mì vốn ít tốn vốn đầu tư, công chăm sóc ít, mà có thời gian thu hoạch ngắn.

Sở dĩ, năng suất mía thấp là do bón phân không đầy đủ và không cân đối theo yêu cầu tăng trưởng của cây mía. Mặt khác, mía bị ngập trong thời gian dài do không có hệ thống kênh tiêu vào mùa mưa; giống mía đang ngày càng bị thoái hoá và cho năng suất thấp nhưng chậm được thay đổi. Giống mía và thủy lợi phục vụ trồng mía thì lại không thuộc về nông dân, mà là kinh phí đầu tư hạ tầng, khuyến nông của nhà nước và đầu tư chăm sóc vùng nguyên liệu của các nhà máy đường.

Yếu tố thứ hai làm cho diện tích mía giảm là do chi phí sản xuất mía đang cao dần, bình quân nông dân phải chi ra 19 triệu đồng cho trồng và thu hoạch 1 héc ta mía và yếu tố này bị tác động bởi giá cả thị trường của phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động, thu hoạch, vận chuyển.

Vài năm trước, Tây Ninh có diện tích mía lên tới 35.000 héc ta, nếu tính năng suất bình quân 50 tấn/héc ta và hàm lượng đường đạt chuẩn 10CCS thì mỗi vụ, tỉnh này cung cấp ra thị trường 170.000- 180.000 tấn đường. Thế nhưng vì những lý do như đã nghiên cứu, diện tích mía ở đây đang suy giảm, như năm 2008, vốn cung cấp mía cho vụ sản xuất đường hiện nay, chỉ còn 17.000 héc ta.

Còn lâu mới đạt mục tiêu

Gần chục năm kể từ khi chương trình 1 triệu tấn đường kết thúc vào năm 2000, lúc ấy, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước hàng năm độ chừng 1 triệu tấn, bây giờ thì nhu cầu tăng lên do dân số và phát triển công nghiệp thực phẩm với lượng tiêu thụ 1,2 - 1,3 triệu tấn đường mỗi năm. Điều đó có nghĩa nhu cầu tiêu thụ đường trong chục năm qua đã tăng thêm 20 - 30% thì lẽ ra diện tích mía cung cấp cho các nhà máy đường phải tăng theo, thế nhưng diện tích mía lại đi ngược lại.

Cơn sốt đường vào tháng 11 và đầu tháng 12 này với giá đường bán lẻ lên tới 20.000 đồng, cao gần gấp đôi bình thường bắt nguồn từ lý do thiếu mía trong niên vụ sản xuất đường niên vụ 2008 - 2009 kết thúc vào tháng 6 giữa năm nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ mía năm 2008 - 2009, tổng diện tích mía cả nước khoảng 270.600 héc ta, giảm 36.000 héc ta so với vụ trước, năng suất mía bình quân chỉ đạt 50 tấn/héc ta, giảm 7,6%, dẫn tới tổng sản lượng mía chỉ đạt 13,5 triệu tấn, giảm 18,6%. Do đó, lượng đường tung ra thị trường giảm 18 -20%.

Một quan chức Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cơ quan quản lý nhà nước về mía đường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói vui là hơn chục năm qua, giá đường có lúc cao lúc thấp thì diện tích mía có lúc trồi lúc sụt nhưng xu hướng chung vẫn là giảm dần.

Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển mía đường thì mía của Thái Lan có năng suất 200 - 220 tấn/héc ta, gấp 4 lần năng suất mía hiện tại của Việt Nam. Đây cũng là giải thích cho việc tại sao giá đường Thái Lan rẻ và hay có đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam.
Sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại, năng suất cây trồng vật nuôi ngày càng tăng trước những tiến bộ về giống mới, phân, thuốc, kỹ thuật sản xuất nhưng riêng với mía, năng suất lại giảm dần và ngày càng cách xa hơn so với năng suất mía của các nước trong khu vực.

Cứ mỗi khi kết thúc mùa mía, ngành nông nghiệp và nhà máy đường họp tổng kết, cứ lấy nguyên nhân giá vật tư, phân bón, lãi suất ngân hàng tăng cao, bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác … tức chi phí trồng mía tăng, để giải thích cho việc diện tích mía giảm, năng suất mía giảm.

Trong khi đó, theo quyết định số 26/2007 phê duyệt quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2-2007, tức gần 2 năm nay, rằng tới năm 2010, Việt Nam mỗi năm sản xuất 1,5 triệu tấn đường, trong đó đường công nghiệp là 1,4 triệu tấn, rất khó thành hiện thực.

Muốn có sản lượng đường nói trên, theo quyết định phê duyệt quy hoạch thì tổng diện tích trồng mía 300.000 héc ta, trong đó vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy 250.000 héc ta, ứng với năng suất mía 65 tấn/héc ta và sản lượng mía cả nước 19,5 triệu tấn.

Rõ ràng với thực tế diện tích và năng suất mía hiện tại, xem như việc thực hiện theo kế hoạch của Chính phủ đã đổ vỡ, khi mà năng suất mía ì ạch 50 - 54 tấn/héc ta, chữ đường trong mía (phản ánh chất lượng mía) bình quân 7-8 chữ đường (CCS), trong khi mục tiêu đặt ra cho năm tới là 11 CCS.



Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Báo cáo phân tích thị trường