Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam
25 | 12 | 2009
Triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy ngành hồ tiêu phát triển bền vững là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay của ngành hồ tiêu Việt Nam, song giải pháp để xuất khẩu hồ tiêu xứng với tiềm năng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người trồng tiêu đã và đang trở thành bài toán khó đối với ngành hồ tiêu Việt Nam.

Sản lượng lớn, xuất khẩu chưa ổn định

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cả nước 6 tỉnh trọng điểm là Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai và Đắk Nông trồng hồ tiêu với sản lượng lớn. Việc duy trì thường xuyên sản lượng hạt tiêu lớn đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở 73 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu 89.705 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 309 triệu USD. Dự kiến năm 2009, diện tích canh tác hồ tiêu toàn quốc đạt 49.000 ha (tăng 9.500 ha). Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm 2009 ước khoảng 20.000 tấn tồn kho các năm trước cũng như các hoạt động tạm nhập tái xuất thì tổng nguồn tiêu cả nước trong năm nay ước khoảng trên dưới 130.000 tấn. Việt Nam cũng đã có 13 nhà máy chế biến lớn, công nghệ cao, không dùng hóa chất độc hại, năng lực chế biến đạt 60.000 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn Mỹ (ASTA).

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 11/2009, cả nước đã xuất khẩu được 6 ngàn tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 19 triệu USD. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2009, Việt Nam xuất khoảng 124 nghìn tấn, trị giá 314 triệu USD, tăng 47,7% về lượng. Giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm 28,64% so với năm trước, ở mức 2.506 USD/tấn.

Được biết, sắp tới, một số vùng trồng tiêu sẽ bắt đầu thu hoạch. Mặc dù do ảnh hưởng của bão lũ trong các tháng cuối năm 2009 nhưng dự báo sản lượng hồ tiêu cả nước niên vụ tới chỉ giảm khoảng 5-7%. Nguồn cung hồ tiêu trong năm 2010 cũng được dự báo sẽ có hơn 100.000 tấn, tương đương với năm 2009. Tuy nhiên, về giá hồ tiêu sẽ không tăng cao, một phần do cung tăng, mặt khác là các nước vẫn chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái. Hiện giá hạt tiêu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây có xu hướng tăng do nguồn dự trữ giảm mạnh và xu hướng đầu cơ diễn ra ở nhiều nước. Chình vì vậy, một tương lai tươi sáng đối với giá cả mặt hàng này trong năm 2010 vẫn được nhiều người kỳ vọng.

Giải pháp để phát triển bền vững

Thực tế hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc đó là sản xuất hồ tiêu còn theo hướng nhỏ lẻ, chưa có quy mô, việc tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ còn thiếu tính chủ động, do đó dẫn đến giá cả không ổn định.

Theo các chuyên gia, tiềm năng của hồ tiêu Việt Nam là rất lớn, cơ hội cho hồ tiêu rất rộng mở, Bên cạnh đó, Việt Nam mới chỉ xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Chư Sê mà chưa xây dựng được thương hiệu hồ tiêu của các địa phương khác do vậy giá thành luôn thấp hơn.

Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra mục tiêu giữ ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 50.00ha, sản lượng 100.000 tấn/năm. Theo đó, yêu cầu các địa phương phải hướng dẫn người trồng thực hiện quy trình của tiêu chuẩn chất lượng cao để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, làm cho giá trị hàng hóa ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phổ biến thông tin thị trường để nông dân và doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương hợp tác quốc tế, nắm bắt diễn biễn của thị trường để đưa ra dự báo, khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp. Có khuyến cáo cụ thể để người dân không tăng thêm diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng, bền vững của những diện tích hồ tiêu hiện có.



Theo www.cpv.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường