Mỗi ngày lỗ hàng triệu đồng
Quyết định 216 nâng biểu giá thuế nhập khẩu một số loại nguyên liệu TĂCN lên cao như: Ngô, bột cá, bột xương thịt tăng từ 0 lên 5 %, bột mỳ tăng từ 10 lên 15%, dầu cá tăng từ 5 lên 7%... Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam thì hiện nay ngành chăn nuôi của chúng ta mới chỉ tự chủ được 30% nguyên liệu chế biến thức ăn, còn lại 70% phải nhập từ nước ngoài. Vì thế, việc tăng giá nhập khẩu nguyên liệu sẽ đẩy giá TĂCN lên cao. Điều nàykhiến cho người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Tuy chưa đến thời điểm áp dụng Quyết định này nhưng theo khảo sát trên thị trường thì từ giữa tháng 11 tới nay, giá một số mặt hàng TĂCN đã liên tục tăng. Cụ thể, giá ngô tăng từ 3.500 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg, khô đỗ tương tăng từ 9.000 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg, các loại thức ăn cho lợn tăng từ 6.200-6.900 đồng/kg… Theo Trung tâm Thông tin Phát triển NNNT (Agroinfo) thì trong tuần qua, giá đậu tương tại thị trường Hà Nội tăng mạnh tới 12,2%, lên đến mức23.000 đồng/kg. Trước diễn biến đó, nhiều người chăn nuôi lâm vào tình trạng thua lỗ.
Với người chăn nuôi gà, sau khi những thông tin không chính xác về trứng gà tẩy trắng bằng axit được làm rõ, thị trường tiêu thụ trứng gà vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Giá trứng gà bán tại các chuồng trại không những chưa tăng mà có xu hướng giảm. Trong khi đó, giá TĂCN lại tăng nên nhiều người nuôi gà ngoại thành đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng. Tại xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) có hàng trăm hộ dân nuôi gà đẻ. Ông Nguyễn Công Nam, chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Từ khi có thông tin trứng gà Trung Quốc tẩy axit làm giả trứng gà ta, các trang trại nuôi gà đẻ lâm vào tình trạng điêu đứng. Trứng gà đẻ ra cứ ùn đống lại, tiêu thụ kém, giá bán lại rất thấp. Mặt khác, thương lái ra sức ép giá, lỗ cũng phải bán vì trứng gà không thể để lâu. Nhiều trang trại bị lỗ hàng triệu đồng mỗi ngày”. Còn ông Nguyễn Văn Lực, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chăn nuôi của xã Hồng Phong ngao ngán: Câu lạc bộ Chăn nuôi của chúng tôi mỗi ngày có khoảng 4.000 trứng ra lò, còn tính chung cả xã thì vào khoảng 8.000 trứng/ngày. Người chăn nuôi phải đầu tư chí phí cho chuồng trại, thức ăn cũng như phòng dịch rất lớn. Thời gian này, giá TĂCN lại đang tăng khoảng 10.000 đồng/1 bao (20kg) làm cho người chăn nuôi thêm lao đao. Người chăn nuôi lợn cũng lâm vào tình cảnh không mấy sáng sủa hơn. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) luôn thở dài vì 200 con lợn thịt của anh “ngốn” hàng vài triệu đồng tiền thức ăn mỗi ngày. “Nếu tình trạng này kéo dài thì tôi cũng chả biết lấy tiền đâu để đầu tư tiếp” – anh Hùng nói.
Nông dân nặng gánh
Chỉ còn vài ngày nữa biểu thuế nhập khẩu mới sẽ được áp dụng và điều này đang gây tâm lý lo lắng cho cả phía doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi. Trước mức tăng thuế suất này, các nhà sản xuất TĂCN lo ngại mặt bằng giá thức ăn thành phẩm sẽ tăng cao làm giảm sút năng lực cạnh tranh trên thị trường. Nhưng trước mắt, chịu thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân chân lấm tay bùn. Bởi chi phí tăng giá nguyên liệu đều tính cả vào giá TĂCN mà người nông dân mua. Những người chăn nuôi cho biết, để tăng trưởng 1 kg gà hơi thì cần lượng thức ăn là 1,7 – 1,9 kg. Nếu tính theo giá cả nguyên liệu TĂCN tăng lên như hiện nay thì chỉ riêng tiền ngô, mỗi kg gà hơi cũng “đội” thêm chi phí gần 400 đồng. Cộng tất cả chi phí các loại thức ăn khác thì tăng thêm 500 – 1000 đồng/kg thịt gà hơi. Và như thế sẽ kéo theo sự gia tăng giá thành sản phẩm. Thông thường vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, trong đó có sản phẩm chăn nuôi cũng tăng nhanh. Nếu giá cả sản phẩm tăng, sức mua của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Khuyến, người có thâm niên nuôi gà ở xã Hồng Phong cho rằng: So với thời điểm dịch cúm gia cầm cách đây vài năm thì thời điểm này người chăn nuôi gà ở Hồng Phong rơi vào cảnh khó khăn không kém. Các trang trại gà ở Hồng Phong có truyền thống nuôi gà đẻ Ai Cập. Nếu như trước đây giá bán buôn trứng là 2.400 đồng/quả thì thời điểm này, chỉ còn 1.500 đồng/quả. Bị lỗ nhưng người dân cũng phải bán bởi trứng gà là thứ “hàng hoa”, không thể để lâu.Hơn nữa, các hộ còn phải quay vòng vốn để đầu tư trở lại đàn gà. Bên cạnh đó, khi giá TĂCN tăng lên thì chi phí sản xuất cũng tăng, kéo theo nguồn vốn đầu tư tăng. Trong hoàn cảnh này, những người chăn nuôi như anh Khuyến phải gồng mình chịu lỗ để đầu tư tiếp. Bởi để nuôi một con gà đẻ ít nhất phải mất 5 – 6 tháng, nếu phá đàn ở thời điểm này thì sẽ rất lâu mới có thể gây được đàn gà mới.
Bà Phan Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết: Huyện cũng đã hình thành một số vùng chăn nuôi lợn, gà tập trung với số lượng lớn như ở Ba Trại, Thuần Mỹ… Mặc dù thời điểm này, giá lợn gà xuất chuồng có cao hơn so với trước nhưng với mức tăng giá TĂCN thì người dân vẫn phải chịu gánh nặng không nhỏ”. Hiện toàn TP có gần 20 triệu gia súc gia cầm, trong đó đàn gia cầm là 15,8 triệu con, đàn lợn 1,7 triệu con, trên 200.000 trâu bò, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 18.000 ha. Với số lượng đó, có thể nói Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ TĂCN lớn nhất cả nước. Vì thế, việc tăng giá TĂCN trong thời gian tới sẽ gây khó khăn không nhỏ cho ngành chăn nuôi Thủ đô.