Bắt đầu từ ngày 9-1, Công ty Tiên Tiến, nhà phân phối chính thức sữa Mead Johnson tại Việt Nam sẽ tăng giá các sản phẩm sữa Enfa A+ thêm 7% đến 9%. Trước đó, từ ngày 1-1, các đại lý kinh doanh sữa đã nhận hàng loạt thông báo tăng giá từ các nhà phân phối. Cụ thể, Công ty 3A, nhà phân phối sữa bột của hãng Abbott điều chỉnh giá bán tăng trung bình 7,4%. Các sản phẩm sữa của Công ty Thực phẩm Hancofood tăng giá khoảng 10%, trong khi đó, Công ty Friesland Campina Việt Nam, nhà sản xuất sữa bột nhãn hiệu Cô gái Hà Lan Friso cũng lên giá 10%, riêng các loại sữa nước tăng 2%.
Cụ thể, các loại sữa của Abbott như: Gain plus IQ loại 900g tăng từ 298 nghìn đồng/hộp lên 330 nghìn đồng/hộp; Grow Vanilla loại 1 kg giá 202 nghìn đồng lên 228 nghìn đồng/hộp; Pediasure 900g từ 356 nghìn đồng lên 393 nghìn đồng/hộp; Ensure Gold 900g giá 395 nghìn đồng lên 434 nghìn đồng/hộp. Các loại sữa của Mead Johnson như: Enfamama 900g từ 240 nghìn đồng lên 270 nghìn đồng/hộp; Enfalac 900g giá 290 nghìn đồng lên 342 nghìn đồng/hộp; Enfagrow 1,8 kg giá 500 nghìn đồng lên 591 nghìn đồng/hộp.
Theo khảo sát của chúng tôi trước thời điểm nhà phân phối áp dụng bảng giá mới, các đại lý sữa tại TP Hồ Chí Minh đã rục rịch tăng giá các loại sữa bột khoảng 3% đến 5%. Bà Trương Thị Thu Hà, chủ đại lý sữa Vũ Hào trên đường Nguyễn Thông (quận 3) phàn nàn: Người bán hàng chúng tôi chỉ mong giá sữa ổn định vì mỗi lần tăng giá, khách hàng sẽ phàn nàn rất nhiều, phải mất thời gian giải thích. Vài ngày nay, nhiều khách hàng tới chỉ hỏi thăm giá rồi bỏ đi.
Giải thích lý do điều chỉnh giá, các hãng kinh doanh sữa cho rằng, thời gian qua tỷ giá Việt Nam đồng/USD tăng mạnh, cộng thêm áp lực tăng lương cho nhân viên và giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng nên phải tăng giá sữa. Tuy nhiên, lý giải này không thật thỏa đáng vì trong năm 2009, giá sữa có ít nhất ba lần tăng với lý do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng. Nhưng, khi nguyên liệu sản xuất sữa trên thế giới có một vài đợt giảm giá mạnh, các nhà kinh doanh vẫn cố tình lờ đi, không hạ giá bán cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc tăng giá sữa còn có cả phần lỗi của người tiêu dùng. Do tâm lý các bà mẹ thương con và chuộng hàng ngoại nên sẵn sàng rút "hầu bao" mua sữa với bất cứ giá nào. Hiện nay, sữa bột ngoại nhập chiếm tới 80% thị phần sữa của Việt Nam. Ðại diện Công ty Cổ phần sữa Vinamilk, cho biết: Sữa bột sản xuất trong nước không thua kém gì về chất lượng, ngay cả những vi chất bổ sung, nhưng, thị trường sữa bột vẫn bị hàng ngoại lấn át và mặc sức tăng giá.
Vừa qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã đưa ra đánh giá: Giá sữa ngoại bán lẻ tại thị trường Việt Nam hiện cao gấp hai lần giá vốn. Người tiêu dùng trong nước đang phải chi trả quá nhiều chi phí bất hợp lý khi mua sữa ngoại như: quảng cáo, tiếp thị, lương nhân viên... của các hãng sữa nước ngoài. Kinh phí này đang được các hãng sữa tính luôn vào giá thành sản phẩm nên giá sữa tăng không có điểm dừng. Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty giảm giá sữa nhưng giá sữa lại tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp đang có biểu hiện "lách luật" trong các lần điều chỉnh giá. Thông tư 104 hướng dẫn Nghị định 170 của Chính phủ về quản lý giá sữa có quy định, trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán sữa tăng từ 20% trở lên thì cơ quan chức năng có quyền áp dụng biện pháp bình ổn giá, để "lách luật" các hãng sữa dùng chiêu tăng giá làm nhiều đợt và mỗi đợt tăng từ 5% đến 10% để không ngại sự can thiệp của các cơ quan quản lý. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các cơ quan chức năng để sửa đổi các quy định trên, nhưng trước mắt các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp quản lý thị trường để không thả nổi giá sữa như hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, các nhà sản xuất sữa trong nước cần đầu tư nâng cao về chất lượng, không "tát nước theo mưa" cùng nâng giá theo sữa ngoại thì người tiêu dùng không quay lưng với hàng nội và giúp giá sữa được bình ổn.