Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kon Tum: Người trồng mía “ thiệt đơn, thiệt kép”
20 | 01 | 2010
Mặc dù hiện nay đã vào cuối vụ thu hoạch mía, nhưng hàng ngày vẫn có hàng mấy chục chiếc xe tải xếp hàng trước nhà máy mía đường Kon Tum để chờ được bán mía.

Nhiều người dân trồng mía ở Kon Tum đã ngao ngán vì vụ mía năm nay thất bát do mưa, bão số 9 tàn phá. Sản lượng chỉ bằng 50-60% so với năm ngoái, chữ đường bị đánh giá thấp hơn, tiền công thuê chặt cao… nay lại thêm ngán ngẫm vì nhà máy “chê” mía đổ lụt, bám nhiều bùn, mất nhiều công hóa, chất để rửa, chi phí chế biến tăng…nên không mấy mặn mà thu mua.

Trong lúc lượng mía của bà con nông dân ở Kon Tum còn nhiều chưa bán hết, thì Công ty cổ phần đường Kon Tum lại đặt hàng thu mua mía từ các địa phương khác của tỉnh Gia Lai, gây bức xúc cho nhiều người trồng mía. Một nông dân trồng mía ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum (xin được giấu tên) cho biết, vụ mía năm nay gia đình anh trồng được 26 héc ta mía. Do gặp bão số 9, mía bị đổ nên sản lượng chỉ đạt 40 đến 50 tấn/héc ta, thấp hơn năm ngoái từ 30 đến 40 tấn/héc ta, hiện còn khoảng bảy héc ta chưa thu hoạch.Theo thông báo của Công ty mía đường Kon Tum thì nhà máy chỉ thu thu mua mía từ nay đến ngày 22-12 (âm lịch) là không thu mua nữa. Tuy nhiên đã hai ngày nay gia đình anh chở hai xe mía ( khoảng 25 tấn/xe) chờ được thu mua nhưng chưa đến lượt. Nếu cứ theo tiến độ này thì đến hết thời gian thu mua của công ty gia đình anh vẫn chưa thể chặt hết mía để bán.

Một nông dân khác ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum bức xúc nói, gia đình ông đã nhiều năm trồng mía. Cứ đầu vụ thì nhà máy hứa này hứa nọ, sẽ ưu tiên thu mua mía cho bà con theo hợp đồng. Nhưng cứ đến vụ thu hoạch bà con trồng mía lại bị ép. Mía chặt xong phải phơi nắng nhiều ngày, hao cân, lại tốn công tốn sức chờ đợi thu mua. Ai thắc mắc thì vụ sau bị ép nên nhiều nông dân bức xúc mà không dám nói vì sợ vụ sau lại càng bị ép?!

Từ đầu tháng 10-2009, khi Công ty cổ phần đường Kon Tum ra thông báo thu mua giá mía nguyên liệu 550 ngàn đồng/tấn, chỉ hơn vụ năm ngoái 50.000 đồng/tấn, trong khi giá đường trên thị trường cao gấp đôi. Hội Nông dân xã Đoàn kết làm đơn kiến nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum thì đã nhận được đơn phúc đáp: Công ty cổ phần đường Kon Tum thu mua với giá 550.000 đồng/tấn mía tại ruộng là hợp lý, đúng với giá bảo hiểm và đúng theo hợp đồng đã ký kết?!

Trong lúc, theo nhiều nông dân trồng mía  cho biết, năm nay các gia đình  đã bỏ ra chi phí từ 30-40 triệu đồng/héc ta. Với giá mía như hiện nay, thì nhiều người trồng mía vẫn bị  bị lỗ.

Chiều ngày 18-1, khi đến nhà máy đường Kon Tum để tìm hiểu việc thu mua mía của Công ty cổ phần đường Kon Tum, chúng tôi vẫn thấy hàng trăm xe mía đang xếp hàng dài trước nhà máy để chờ được thu mua. Chủ mía, lái xe nằm, ngồi la liệt trong các quán cóc để chờ đợi, bơ phờ vì mệt nhọc. Anh L ở phường Trần Hưng Đạo cho biết, hôm thứ 6 vừa qua, bức xúc trước việc công ty chỉ mua mía các xe của Gia Lai mà không mua mía của Kon Tum, một số nông dân trồng mía ở Kon Tum đã “kéo” vào gặp Ban giám đốc Công ty để thắc mắc. Trước yêu cầu chính đáng của bà con, công ty đã nhượng bộ bằng cách phát phiếu thu mua, ai đến trước được cân trước và có ưu tiên cho các xe mía ở Kon Tum, cân bốn xe  của Kon Tum thì một xe của Gia Lai. Mía của Gia lai được Công ty mua với giá trung bình 930.000 đồng/tấn, trong lúc mía Kon Tum chỉ có 680.000 đồng/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển .

Mấy năm gần đây, giá mía bấp bênh. Trong lúc chi phí sản xuất cao, sản lượng giảm, nhiều người dân ở Kon Tum đã không mấy mặn mà với việc trồng mía. Để có vùng nguyên liệu mía ổn định, phục vụ lâu dài cho nhà máy, Công ty cổ phần đường Kon Tum cần có chính sách hợp lý để thu hút người trồng mía, đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Bên cạnh đó các cấp chính quyền địa phương thành phố Kon Tum cũng cần có sự bảo vệ quyền lợi kịp thời, chính đáng cho nông dân, tránh tình trạng để nông dân là người phải chịu thiệt đơn, thiệt kép.



Theo Báo Nhân Dân Online
Báo cáo phân tích thị trường