Sau sự cố “thịt bẩn” vào tháng 8 và tháng 9-2009, trong nhiều tháng cuối năm 2009, thịt đông lạnh nhập khẩu gần như không còn được nhập thêm, lượng thịt tồn kho nhập trước đó cũng gần như “án binh bất động”... Nhưng từ đầu tháng 1 đến nay, lượng thịt đông lạnh nhập khẩu lại tăng mạnh, mỗi ngày có từ 4 - 5 container thịt gà, trâu, heo (khoảng hơn 100 tấn) được nhập về. Nguồn hàng tồn trước đó cũng đang được tung ra bán.
Thịt tồn kho bung ra
Sở dĩ thịt đông lạnh nhập khẩu vẫn còn đất sống sau sự cố “thịt bẩn” là nhờ có giá rẻ. Giá đùi gà chỉ 15.000 đồng - 16.000 đồng/kg, cánh gà khoảng 30.000 đồng/kg; thịt heo cũng chỉ 35.000 đồng - 36.000 đồng/kg (bằng khoảng 60% giá thịt trong nước).
Một cán bộ Chi cục Thú y TPHCM cho biết từ cuối tháng 12-2009 đến nay, chi cục đã kiểm tra, cho xuất hàng tiêu thụ hơn 1.000 tấn thịt heo và hơn 500 tấn thịt bò đông lạnh nhập khẩu, đồng thời cấp giấy cho khoảng 300 tấn phụ phẩm gia súc đông lạnh nhập khẩu được đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Tuy nhiên, thực tế nguồn thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu từ các địa phương khác đổ vào TP tiêu thụ rất lớn. Chỉ trong khoảng một tuần gần đây, ước tính đã có khoảng 200 tấn thịt gà, gần 2.000 tấn thịt trâu, bò đông lạnh nhập khẩu, chưa kể hàng chục ngàn tấn phụ phẩm các loại, đã tràn vào thị trường TPHCM...
Đoàn kiểm tra liên ngành vừa phát hiện hơn 3 tấn da heo đang ngâm trong hóa chất độc hại tại một cơ sở chế biến
thực phẩm ở quận Bình Thạnh - TPHCM. Ảnh: T.Bình
Theo giới kinh doanh thực phẩm tại TPHCM, một phần khá lớn lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu được các cơ sở thực phẩm thu mua để chế biến rồi tung ra bán vào dịp Tết hoặc đóng hộp. Đáng lo ngại hơn là nguồn thịt nhập khẩu trước đây vẫn còn tồn kho đến năm, bảy trăm tấn, đến nay nhiều khả năng đã hết hạn sử dụng. Gần đây, có một số đầu mối tổ chức thu gom nguồn hàng này với giá chỉ bằng 20%- 30% so với giá thị trường để tung ra thị trường...
Về hiện tượng trên, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng VI, cho biết cơ quan thú y đang tìm hiểu thông tin này để kịp thời phát hiện xử lý. Ông Bình cho hay tuần qua, Trung tâm Thú y Vùng VI đã cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu cho 25 lô hàng, số lượng gần 300.000 tấn với đủ các loại thịt gà, heo, trâu, bò, cừu... Đơn vị cũng đã phát hiện thêm một lô 28 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm khuẩn, buộc doanh nghiệp nhập khẩu phải tái xuất.
Thực phẩm bẩn vào lò chế biến
Vào thời điểm này, các điểm chế biến bì, chả, lạp xưởng đang tăng tốc sản xuất hàng Tết với số lượng lớn. Nhiều cơ sở không có giấy phép cũng vào cuộc. Để giảm giá thành, họ sử dụng cả nguyên liệu “3 không” (không nguồn gốc, không kiểm dịch, không đăng ký chất lượng hàng hóa).
Ngày 21-1, tại bãi rác Đông Thạnh, đoàn kiểm tra liên ngành quận Gò Vấp đã tiêu hủy lô hàng thịt heo đông lạnh không có giấy kiểm dịch, nhiễm khuẩn và quá hạn sử dụng. Lô hàng này gồm 40 thùng thịt heo, mỗi thùng có trọng lượng từ 15 kg - 25 kg, được phát hiện tại một công ty trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp.
Trước đó, ngày 11-1, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Nhà Bè kiểm tra một ngôi nhà không số thuộc tổ 2, ấp 2, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, phát hiện tại đây đang sản xuất giò, chả trên nền nhà rất mất vệ sinh. Tại hiện trường, có hơn 70 kg chả lụa, patê heo, gần 300 kg mỡ heo có dấu hiệu biến chất.
Đoàn kiểm tra liên ngành quận Bình Tân cũng phát hiện tại một địa chỉ trên đường Tân kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đang chế biến bì heo trái phép, mất vệ sinh với 564 kg da heo không kiểm dịch. Cuối tháng 12-2009, đoàn kiểm tra liên ngành quận 8 phát hiện ba cơ sở trên đường Bến Phú Định, quận 8 chế biến bì heo trái phép, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với số lượng lên đến 5,9 tấn không có giấy chứng nhận kiểm dịch; da heo đã bốc mùi hôi thối...
Ông Lê Xuân Đài, Chi Cục phó Chi cục QLTT TPHCM, cho biết: Báo cáo từ các đoàn kiểm tra liên ngành các quận, huyện cho thấy hiện tượng các cơ sở chế biến thực phẩm vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang rất phổ biến, trong đó nhiều trường hợp sử dụng nguyên liệu trôi nổi, không có giấy phép sản xuất, kinh doanh.
Lòng vòng trách nhiệm Các lô hàng thịt bẩn bị cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ với số lượng khá lớn trong tháng 8, tháng 9-2009 đến nay vẫn chưa xử lý xong.
Tuy nhiên, khi được hỏi hiện số hàng trên có còn trong các kho lạnh hay không, không có cơ quan trách nhiệm nào dám trả lời. QLTT thì cho rằng vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của ngành thú y.
Còn các cơ quan thú y thì cho rằng trách nhiệm thuộc về các đoàn liên ngành quận - huyện, những đoàn này do đại diện phòng y tế làm trưởng đoàn. Cơ quan thú y cũng cho rằng ai làm trưởng đoàn người đó chịu trách nhiệm. |