TRỒNG RAU ĂN CHẮC
Đối với các hộ trồng rau màu, đây là lúc thời tiết rất thuận lợi để canh tác do trời mát, ít nắng nên ít công chăm sóc hơn. Thị trường lại tiêu thụ rau củ quả lại rất ổn định. Anh Nguyễn Thành Cuộc, hộ trồng rau ở xã Thuận An (Bình Minh, Vĩnh Long), cho biết: “Hổm rày, trời mát, ít nắng, nông dân trồng xà lách xoong đỡ nhọc công hơn. Bình thường, cứ khoảng 40 phút phải tưới một lần, giờ 60-70 phút mới tưới một lần. Mấy ngày nay mưa, tôi phải kiềm chế sự phát triển của rau. Sâu bệnh ít hơn nên chi phí đầu tư thấp. Đầu ra mỗi ký 5.000 đồng như hiện nay là ăn Tết khỏe...”.
Từ khoảng tháng 10 âm lịch, giá rau màu đồng loạt giảm do vào mùa sản xuất chính trong năm. Giá xà lách xoong giảm từ mức 10.000-15.000 đồng/kg xuống còn 5.000 đồng/kg nhưng nông dân trồng rau vẫn không lo lắng. Theo tính toán, mỗi công đất trồng xà lách xoong chi phí đầu tư chỉ khoảng 1,5 triệu/lứa cắt khoảng 40 ngày, bán giá 5.000 đồng vẫn lãi 5-6,5 triệu đồng. Mặt hàng rau, củ tại các chợ đầu mối Tam Bình (Vĩnh Long), Thủ Đức (TPHCM)... hiện đang ở mức bằng hoặc cao hơn năm ngoái khoảng 10%. Dưa leo, cải bắp thảo 7.000 đồng/kg, cà chua, đậu cô-ve 5.500 đồng/kg, bắp cải 3.000 đồng/kg... Giá thu mua tại chỗ thấp hơn khoảng 500-2.000 đồng/kg. Giá này đảm bảo người trồng có lời. Vì vậy, vùng trồng rau ở Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long), Ô Môn, Cờ Đỏ, Bình Thủy (Cần Thơ), Chợ Mới, Phú Tân (An Giang)... hầu như không còn đất trống. Mỗi ngày, địa phương này đều có nguồn cung hàng chục tấn chuyển đi các chợ đầu mối ở ĐBSCL và TPHCM.
|
Ông Huỳnh Long Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy buồn rầu vì ruộng dưa hấu bị bọ trĩ gây hại. Ảnh: LÊ NGỌC |
Mặt hàng rau an toàn hiện đang hút do nhu cầu tăng nhưng nông dân không mặn mà lắm với loại hình sản xuất này. Ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thành Lợi (huyện Bình Tân, Vĩnh Long), cho biết: “Rau an toàn đòi hỏi quy trình sản xuất khép kín và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, kỹ thuật nhưng lợi nhuận không bằng trồng các loại rau màu phục vụ thị trường. Dịp Tết Canh Dần, HTX cung cấp cho TP Cần Thơ khoảng 50 tấn rau, củ an toàn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu...”. Riêng Tổ liên kết sản xuất Kiến An (huyện Chợ Mới, An Giang), rau sạch sản xuất không đủ cung cho thị trường Phú Quốc (Kiên Giang) khi lượng du khách tăng vào dịp du lịch tránh đông của du khách châu Âu và đi du lịch Tết của du khách nội địa đến với đảo này. MÙA DƯA... ĐẮNG!
Mùa mưa năm trước kết thúc sớm và mưa trái mùa mấy ngày qua làm nông dân trồng dưa phải khóc ròng. Mùa dưa Tết ở ĐBSCL năm nay trở nên đắng ngắt. Tại nhiều ruộng dưa ở Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... bọ trĩ đang hoành hành. Nhẹ thì khoảng 20-30%, nặng thì 70-80%; nhiều hộ nhổ bỏ dưa để trồng các loại hoa màu khác.
Ông Huỳnh Long Quân, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết: “Tết năm nay, khu vực Bình Thường A có 38 hộ trồng dưa hấu với diện tích khoảng 11,3 ha. Phần lớn các diện tích này, các hộ dân trồng 2-3 vụ dưa/năm”. Theo ông Quân, những năm trước đây, năm nào bà con cũng trúng mùa dưa hấu Tết. Tuy nhiên, hiện nay, hàng loạt ruộng dưa ở khu vực Bình Thường A bị bệnh bọ trĩ. Anh Phạm Văn Ngoan, ngụ khu vực Bình Thường A, tâm sự: “Nhiều năm qua, nhờ trúng mùa dưa hấu, gia đình tôi mua được xe gắn máy, sửa lại căn nhà và mua sắm vật dụng trong gia đình... Vậy mà, ruộng dưa hấu của tôi bắt đầu bị bọ trĩ. Tôi đã xịt thuốc điều trị, nhưng diện tích nhiễm bệnh đã lên đến khoảng 50%. Hy vọng, năm nay, trồng dưa hấu lấy lại được vốn để không phải nợ nần, có nguồn mua sắm trong dịp Tết...”. Không chỉ ruộng dưa nhà anh Bốn, nhiều ruộng dưa ở khu vực Bình Thường A tỷ lệ nhiễm bọ trĩ đã lên đến khoảng từ 60-80%.
Theo những người dân ở khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, do dưa hấu trồng được mùa, trúng giá, từ năm 2007 đến nay, nhiều hộ nông dân bỏ hẳn trồng lúa để trồng dưa hấu 3-4 vụ/năm. Anh Nguyễn Hữu Phước, khu vực Thạnh Huề, cho biết: “Mỗi năm, gia đình tôi thu lợi nhuận từ dưa hấu cả trăm triệu đồng. Nhờ vậy, nhà cửa được tươm tất, đầy đủ tiện nghi”. Không chỉ gia đình anh Phước, nhiều hộ nhiều hộ nông dân như Nguyễn Văn Dành, Nguyễn Hoàng Thọ... nhờ trồng dưa hấu cuộc sống đã khá giả hơn. Hiện, khu vực Thạnh Huề có 15 hộ trồng dưa hấu Tết, với tổng diện tích khoảng 9 ha. Tuy nhiên, khi dưa hấu mới đến giai đoạn đậu trái thì bọ trĩ tấn công, không chỉ vậy, nhiều ruộng dưa hấu nơi đây vẫn chưa ra bông hoặc ra bông rất chậm khiến nhiều người trồng dưa lo lắng.
Theo ngành nông nghiệp, bọ trĩ tên khoa học là Thrips palmi, người nông dân thường gọi là bù lạch hay rầy lửa. Đây là đối tượng sâu hại rất nguy hiểm trên nhiều loại cây trồng như lúa, mía, dưa hấu... gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa, đậu trái. Riêng đối với dưa hấu, bọ trĩ làm đọt dưa chùn lại, lá vàng và khô, hoa rụng, không đậu trái hoặc trái không lớn. Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có sức đề kháng thuốc cao và dễ “lờn thuốc”. Gặp điều kiện thích hợp, nhất là thời điểm thời tiết như hiện nay bọ trĩ phát triển rất nhanh, dễ gây thành dịch. Để ngăn chặn bệnh bọ trĩ, ông Hồ Ngọc Hỷ, cán bộ Khuyến nông phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, khuyến cáo: “Bà con nông dân không nên trồng duy nhất 1 loại dưa hấu trong năm. Nên luân canh dưa hấu với các loại cây trồng khác như các loại dưa, bầu bí,... để cho đất có thời gian nghỉ ngơi, đưa nước vào ruộng để ngâm đất... Có làm như thế mới có thể tránh được sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bọ trĩ...”. Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, khuyến cáo bà con không nên trồng duy nhất dưa hấu trong năm mà chuyển sang 1 vụ hoa kiểng hoặc trồng màu.
Theo thống kê, vụ dưa Tết này có khoảng 1.000 ha trồng tại Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Ô Môn, Bình Thủy (TP Cần Thơ). Ngành Nông nghiệp chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại nhưng đến đâu cũng nghe nông dân nhổ bỏ dưa trồng cây khác để cứu vãn.
Còn tại hai huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long), trong số khoảng 300 ha dưa hấu trồng phục vụ Tết có đến 2/3 bị ảnh hưởng của dịch bọ trĩ. Ông Nguyễn Văn Tập, Phó Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, cho biết: “Tình hình dịch bệnh này, người trồng dưa phải chịu mất mùa. Chỉ riêng Tân Hưng, dưa ghép bầu có thể chống chọi được còn các ruộng dưa khác ít nhiều đều bị ảnh hưởng...”. Giá dưa lê năm ngoái bán tại ruộng khoảng 9.000-10.000 đồng/kg có thể tăng lên khoảng 12.000 đồng/kg vào Tết này. Dưa hấu lúc cao điểm bán được khoảng 4.000-5.000 đồng/kg có thể sẽ tăng đột biến vào cận Tết do vụ mùa thất thu...