Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường hạt tiêu năm 2009 và dự báo năm 2010
26 | 01 | 2010
Nguồn cung khan hiếm đã chi phối thị trường hạt tiêu thế giới năm 2009. Giới chuyên môn nhận định với sự điều chỉnh xu hướng giá trong hai tháng cuối năm 2009, thị trường tiêu thế giới sẽ vững giá vào những tháng đầu năm 2010 bởi nhu cầu năm nay vẫn cao hơn nguồn cung.

Hạt tiêu đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong thực phẩm của thế giới, do đó nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu không sụt giảm mạnh dù kinh tế suy thoái. Năm 2008, do giá cao nên các nhà nhập khẩu chỉ mua đủ dùng. Kết quả là dự trữ trong năm 2009 không còn nhiều và tình trạng vào đầu năm 2010 cũng tương tự.

Trong suốt 10 tháng đầu năm 2009, giá  liên tục tăng, đặc biệt từ cuối tháng 7/2009. Giai đoạn tháng 1- 10/2009, giá hạt tiêu đen Ấn Độ tăng 45%, từ 2.300 USD/tấn lên 3.350 USD/tấn, trong khi hạt tiêu đen Asta của Việt Nam tăng 26%, từ mức 2.500 USD/tấn lên 3.200- 3250 USD/tấn. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 11, giá giảm trở lại, với mức giảm trong 2 tháng cuối năm vào khoảng 12%.

Năm 2009, do sản lượng hạt tiêu ở Ấn Độ, Indonexia và Braxin giảm bởi thời tiết xấu nên thị trường hạt tiêu thế giới năm 2009 luôn trong tình trạng thiếu cung, mặc dù sản lượng tăng ở Việt Nam. Sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm 2009 giảm xuống khoảng 50.000 tấn, trong khi tiêu thụ nội địa lên tới 50.000 tấn. Do vậy, Ấn Độ phải nhập khẩu thêm hạt tiêu để đáp ứng đủ nhu cầu cho cả ngành chế biến. Nhập khẩu hạt tiêu vào Ấn Độ giai đoạn tháng 4 - 10/2009 tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái do giá hạt tiêu thế giới thấp hơn nhiều so với giá nội địa. Hầu hết hạt tiêu nhập khẩu vào Ấn Độ được sử dụng để chiết xuất thành dầu gia vị và được tái xuất khẩu bởi ngành sản xuất nhựa dầu. Ấn Độ là nước xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ 2 thế giới, sau Việt Nam. Ấn Độ chiếm khoảng 45% tổng xuất khẩu gia vị toàn cầu. Tới cuối tháng 10, Indonexia cũng không còn nhiều hạt tiêu để bán. Tổng khối lượng  hạt tiêu đen xuất khẩu từ nước này trong cả năm 2009 cũng giảm do sản lượng giảm. Trong nửa đầu năm, Indonexia đã xuất khẩu 19.190 tấn hạt tiêu đen, giảm 24% so với 25.132 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam đã nổi lên thành nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Trong khi Ấn Độ tiêu thụ trên 50% sản lượng của mình thì Việt Nam sản xuất gấp đôi Ấn Độ mà lại chỉ tiêu thụ 10% sản lượng. Mặc dù đã tăng nhưng tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam cũng chỉ mới đạt 3.500 tấn. Sản lượng hạt tiêu Việt Nam niên vụ 2008/09 đạt 95.000 tấn, tăng 4.000 tấn hay 4,4% so với niên vụ trước. Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong năm 2009 ước đạt 128.000 tấn, kim ngạch 328 triệu USD, đạt kỷ lục cao từ trước tới nay. Giá hạt tiêu tại Việt Nam đã tăng gấp hơn 2 lần trong 9 tháng đầu năm 2009. Ngày 4/9 hạt tiêu tại Đắk Lắk được các đại lý thu mua ở mức cao 47.500 đồng/kg, tăng 20.500 đồng/kg so với hồi đầu năm 2009 và là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến thời điểm đó.

Sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2009 và  dự báo 2010

Đvt: tấn

Nước

Năm 2009

Năm 2010

(dự  báo)

 

 

Thế  giới

281.974

290.742

Việt Nam

95.000

90.000 - 95.000

Ấn Độ

50.000

 

Braxin

35.000

35.000

Indonesia

25.000

 

Malaysia

22.000

 

Sri Lanka

15.600

 

(Nguồn: Reuters, Business Lines)

Do lượng dự trữ gối vụ còn rất ít, giá hạt tiêu thế giới trong năm 2010 sẽ ít có khả năng giảm mạnh khỏi mức cao hiện nay, mặc dù nguồn cung sắp tăng lên khi một số nước sản xuất lớn như Ấn Độ và Việt Nam bước vào vụ thu hoạch.

Uỷ  ban Hạt tiêu Thế giới (IPC) dự báo sản lượng hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng 3% trong năm 2010, đạt 290.742 tấn, so với 281.974 tấn năm trước. Mặc dù sản lượng tăng, nhưng xuất khẩu hạt tiêu thế giới năm nay dự báo sẽ giảm khoảng 11% do lượng dự trữ gối vụ giảm mạnh. Mậu dịch hạt tiêu thế giới năm 2010 dự báo đạt 218.074 tấn, giảm so với 243.800 tấn năm 2009. Nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế khiến nhiều khách hàng lớn phải cắt giảm lượng dự dữ trữ và giảm mua những hợp đồng dài hạn. Dự trữ hạt tiêu thế giới được IPC dự báo là sẽ giảm 32% trong năm 2010, xuống 79.124 tấn, so với 116.325 tấn năm 2009. Tiêu thụ ở các nước sản xuất dự báo sẽ khoảng 110.000 tấn mỗi năm.

Sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm 2010 sẽ vững ở mức 50.000 tấn như năm ngoái. Sản lượng của Ấn Độ mấy năm gần đây giảm mạnh so với mức từ 75.000 tấn  đến 100.000 tấn/năm trước đây, do sâu bệnh và năng suất giảm. Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu ròng hạt tiêu do nguồn cung khan hiếm, và sắp vươn lên vị trí nước tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất thế giới với mức khoảng 40.000 - 45.000 tấn mỗi năm.

IPC dự báo sản lượng của Việt Nam sẽ vào khoảng 90.000 tấn trong năm 2010, so với 100.000 tấn năm 2008. Thực tế hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc đó là sản xuất hồ tiêu còn theo hướng nhỏ lẻ, chưa có quy mô, việc tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ còn thiếu tính chủ động, do đó dẫn đến giá cả không ổn định. Việt Nam mới chỉ xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Chư Sê mà chưa xây dựng được thương hiệu hồ tiêu của các địa phương khác, do vậy giá thành luôn thấp hơn.

Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, phát huy hết tiềm năng lớn của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra mục tiêu giữ ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 50.00ha, sản lượng 100.000 tấn/năm. Theo đó, yêu cầu các địa phương phải hướng dẫn người trồng thực hiện quy trình của tiêu chuẩn chất lượng cao để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, làm cho giá trị hàng hóa ngày càng gia tăng. Vai trò của thông tin thị trường đối với ngành tiêu cũng ngày càng được chú trọng, để nông dân và doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương hợp tác quốc tế, nắm bắt diễn biễn của thị trường để đưa ra dự báo, khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp. 

Diễn biến giá hạt tiêu thế giới năm 2009 (USD/tấn)

Loại

30/12/09

30/10/09

10/6/09

5/1/09

Đen Ấn Độ

3175

3450

2825

2300

Asta Việt Nam

3100

3220

2500

2500

(Nguồn: Reuters, Business Lines)




Nguồn: Viettrade
Báo cáo phân tích thị trường