Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều lo thiếu nguyên liệu
01 | 02 | 2010
Việc thu hoạch điều rải vụ sẽ khiến nhiều nhà máy chế biến sắp tới rơi vào tình trạng “đói“ nguyên liệu, và phải trông chờ vào điều thô nhập khẩu.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), do thời tiết thuận lợi nên vụ thu hoạch điều năm nay sớm hơn so năm trước, tuy nhiên dự báo các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành điều năm 2009 do Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức hôm cuối tuần tại tỉnh Bình Phước, hiện đã có một số địa phương bước vào vụ thu hoạch sớm do mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm hơn 2008, trong khi điều là loại cây chỉ ra hoa và kết trái vào mùa khô, nhiều nắng. Điều vào thu hoạch chính vụ khoảng trung tuần tháng 3.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch thường trực Vinacas, nhận định rằng điều cho thu hoạch rải vụ như vậy sẽ khiến nhiều nhà máy chế biến sắp tới rơi vào tình trạng “đói“ nguyên liệu, và phải trông chờ vào điều thô nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết các nước châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà, Nigeria, chiếm đến 42% kim ngạch nhập khẩu điều thô của Việt Nam, cũng phải đến tháng 4 mới thu hoạch xong. Có nghĩa tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến vào cao điểm giữa tháng 3 trở đi sẽ diễn ra khá căng thẳng.

Ngoài ra, muốn nhập điều thô thì doanh nghiệp hàng năm vẫn phải đi vay ngân hàng, số vay này dự kiến trong năm 2010 toàn ngành sẽ cần khoảng 10.000 đến 15.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế như vừa qua khi một số doanh nghiệp đến ngân hàng thương mại để vay tiền rất khó khăn. Doanh nghiệp bắt buộc phải có hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn (hợp đồng kỳ hạn giao xa thường có giá thấp) thì ngân hàng mới cho vay.

Trong khi đó, về mặt chế biến xuất khẩu, theo kỹ sư Phạm Văn Nguyên, một chuyên gia lâu năm trong ngành điều, do tỷ lệ hư bể hạt của điều Việt Nam còn cao, sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu hiện nay chỉ có lợi thế về chi phí chế biến, nhờ giá nhân công rẻ, còn tất cả chỉ số cạnh tranh khác về giá, về giá trị gia tăng tính trên đầu sản phẩm… đều thua nước có lượng xuất khẩu đứng thứ 2 là Ấn Độ.

Theo Vinacas, năm 2009, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khoảng 180.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch gần 864 triệu đô la Mỹ, tăng về số lượng nhưng lại bị giảm về trị giá với giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 4.800 đô la Mỹ/tấn, so với giá năm 2008 vào khoảng 5.400 đô la Mỹ/tấn.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường