“Lượng” chưa đi cùng “chất”
Niên vụ 2008 - 2009, sản lượng xuất khẩu cà phê Đắc Lắc đạt 349.220 tấn, tăng 13,3% so với niên vụ 2007 - 2008 chiếm 28% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, xuất khẩu cà phê niên vụ 2008 - 2009 chủ yếu cà phê nhân loại 2 (R2) với 239.613 tấn, chiếm tỷ trọng 68,61% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh.
Còn xuất khẩu cà phê loại 1 (R1) 108.607 tấn, chiếm tỷ trọng 31,1%, cà phê chất lượng cao 1.000 tấn, chỉ chiếm 0,29% tổng sản lượng xuất khẩu cà phê của tỉnh. Như vậy, xuất khẩu cà phê Đắc Lắc còn ở dạng thô (cà phê nhân) nhiều hơn dạng tinh (cà phê bột, cà phê hòa tan).
Theo ông Võ Thanh (Giám đốc Sở Công thương Đắc Lắc), niên vụ 2008 - 2009 là niên vụ sản lượng cà phê của tỉnh đạt cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, nhưng cũng là niên vụ chất lượng cà phê sau thu hoạch bị giảm sút nhất, đã làm giảm chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh.
Bên cạnh điều kiện thời tiết bất lợi, việc thu hái quả xanh phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch chưa tốt đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê nhân. Niên vụ 2009 - 2010 chưa kết thúc, nhưng Sở NN-PTNT Đắc Lắc dự báo sản lượng cà phê của tỉnh sẽ giảm khoảng 15% và số lượng hạt cà phê nhỏ sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Nếu đúng như thế, chất lượng cà phê xuất khẩu Đắc Lắc niên vụ 2009 - 2010 sẽ tiếp tục bị giảm sút nghiêm trọng.
Sản lượng xuất khẩu niên vụ 2008 - 2009 tăng so với niên vụ trước, nhưng sản lượng xuất khẩu cà phê chất lượng cao, cà phê R1 lại giảm so với niên vụ trước.
Trong khi đó, sản phẩm cà phê Đắc Lắc đều tiêu thụ qua các nhà môi giới trung gian, chỉ một phần giao dịch trực tiếp với các nhà rang xay cà phê trên thế giới. Các đối tác nước ngoài thường dựa vào lý do chất lượng sản phẩm cà phê nhân kém để ép giá các doanh nghiệp, gây thiệt hại cho ngành cà phê Đắc Lắc nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung.
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, mỗi năm xuất khẩu cà phê thất thoát khoảng 200 triệu USD.
Liên kết doanh nghiệp với nhà nông
Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắc Lắc, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Vì thế, sự phát triển bền vững của ngành cà phê gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nắm bắt được tầm quan trọng đó, ngày 17-11-2008, UBND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành quyết định về việc phát triển cà phê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 để tăng chất lượng cà phê của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Đắc Lắc đặt mục tiêu đến năm 2015, duy trì diện tích cà phê ổn định 150.000ha và 50% diện tích cà phê có cây che bóng. Triển khai áp dụng TCVN 4193: 2005 cho 60% sản lượng cà phê xuất khẩu, tăng tỷ lệ cà phê bột, cà phê hòa tan đạt 15% trở lên sản lượng của niên vụ, 100% diện tích cà phê trong vùng quy hoạch được tưới nước chủ động…
Nhưng hiện nay diện tích trồng mới cà phê vẫn tăng ồ ạt, cà phê thiếu nước tưới, người dân thường xuyên thu hái cả cà phê xanh… Cứ thế, chất lượng sản phẩm cà phê sau thu hoạch của tỉnh thì miễn bàn!
Theo ông Nguyễn Văn Sinh (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắc Lắc), để có hướng đi bền vững cho cà phê Đắc Lắc, trước hết tỉnh phải tổ chức lại sản xuất, làm sao để các nông hộ sản xuất cà phê đơn lẻ hiện nay đứng vào một tổ chức như Hợp tác xã nông dân, từ đó thống nhất được một cách làm (vì 80% sản lượng cà phê Đắc Lắc hiện nay là do các hộ sản xuất đơn lẻ tạo ra).
Sau đó, áp dụng tiêu chuẩn 4193-2005 vào xuất khẩu, người sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn đó sẽ không bán được hàng. Doanh nghiệp thì phải liên kết và hỗ trợ người trồng cà phê về giống, vốn, kỹ thuật…
Còn người trồng cà phê bán sản phẩm cho doanh nghiệp, khi có biến động giá thì doanh nghiệp phải chia sẻ với người trồng cà phê, đó là mối liên kết để nâng cao chất lượng cà phê Đắc Lắc.