Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Căng thẳng xuất khẩu gạo
26 | 02 | 2010
Ngay khi vụ lúa đông xuân vùng ĐBSCL bước vào mùa thu hoạch rộ thì cũng là lúc các khách hàng nước ngoài tìm nhiều cách ép giá lúa gạo VN xuống thấp.

Bán hay không bán? Và bán mức giá nào cho hợp lý? Đó là những câu hỏi hóc búa dành cho những nhà điều hành xuất khẩu gạo.

Bất thường

Mọi năm, gạo VN vẫn được xuất khẩu dưới hai dạng là hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Thế nhưng từ đầu năm 2010, các hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo hầu như vắng bóng, thậm chí một số hợp đồng đã ký cũng bị khách hàng nước ngoài hủy bỏ. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), trong tháng 2 này các doanh nghiệp (DN) chỉ xuất khẩu được 350.000 tấn gạo, giảm 45% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu được 704.000 tấn, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo kế hoạch, trong tháng 3 sẽ xuất khẩu khoảng 450.000 -500.000 tấn, tính chung cả quý 1 dự kiến xuất khẩu được 1.150.000 - 1.200.000 tấn. Nếu so với quý 1 năm 2009 xuất khẩu được 1,6 triệu tấn thì lượng gạo xuất khẩu năm nay đã sụt giảm khá nhiều. Trong khi đó, lượng gạo có thể cung ứng của các tỉnh ĐBSCL đang còn khá nhiều.

Cụ thể, theo VFA, tồn kho gạo từ năm 2009 chuyển qua vào khoảng 1.450.000 tấn, gạo thu hoạch trong vụ đông xuân khoảng 3 triệu tấn. Như vậy, nguồn gạo trong nước hiện có trên 4.450.000 tấn. Nếu thực hiện hết số hợp đồng còn nợ và dành khoảng 1,3 triệu tấn chuyển qua quý 3 thì vẫn còn khoảng 650.000 tấn gạo chưa có hợp đồng để bán.

Ông Phạm Văn Bảy - Phó chủ tịch VFA giải thích: "Các khách hàng nước ngoài đang ngóng chờ động tĩnh từ vụ đông xuân của VN, nếu các DN của VN nôn nóng hạ giá thấp thì họ càng chờ đợi để ép giá". Hiện giá lúa ở ĐBSCL gần đây đã sụt giảm khá nhanh. Nếu lúc đầu tháng 2 giá lúa còn ở mức trên 5.000 đồng/kg thì hiện nay đã xuống dưới 3.500 đồng/kg. Điển hình như các huyện vùng Đồng Tháp Mười của Long An giá lúa đang mua tại các kho của công ty từ 4.200 đồng/kg trở lên, nhưng giá lúa tươi tại ruộng chỉ khoảng 3.300 - 3.400 đồng/kg.

Không bán gạo với giá thấp

Diễn biến xuất khẩu gạo căng thẳng như trên khiến lãnh đạo VFA đứng ngồi không yên. Ngày 25.2, các thành viên Hội đồng quản trị VFA đã nhóm họp và công bố kế hoạch hỗ trợ nông dân giữ giá lúa. Theo đó, VFA đã giao 30 DN triển khai thu mua ngay 1 triệu tấn lúa để tạm trữ song song với việc thu mua lúa để thực hiện các hợp đồng đã ký. Mức giá thấp nhất đưa ra là không dưới 4.000 đồng/kg lúa khô tại kho. Giá gạo xuất khẩu cũng được chốt lại ở mức 440 USD/tấn (FOB) đối với gạo 5% tấm. Các DN tham gia chương trình tạm trữ sẽ được hỗ trợ lãi suất, được ưu tiên giao hàng trước và được chia các hợp đồng tập trung sắp tới. Ông Phạm Văn Bảy cho biết: "Các khách hàng nước ngoài, nhất là thị trường châu Phi đang rất có nhu cầu mua gạo, tuy nhiên họ vẫn cố chờ đợi VN giảm giá. Một số khách hàng thậm chí còn đưa mức giá chào mua dưới 400 USD/tấn. Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết không bán gạo với giá thấp. Nếu khách hàng nào cố ý chào giá quá thấp để làm lung lạc thị trường thì chúng tôi cũng sẽ có biện pháp để đối phó, không loại trừ biện pháp sẽ tẩy chay khách hàng đưa giá vô lý như vậy".

Theo thông tin từ VFA, sắp tới Philippines sẽ đấu thầu 800.000 tấn gạo; Iraq cũng đấu thầu mua 2,5 triệu tấn; một số nước khác cũng có dấu hiệu chuẩn bị nhập khẩu gạo với số lượng lớn, và như vậy giá gạo thế giới sẽ có nhiều biến động, vì vậy sẽ khó có khả năng giá gạo xuống thấp. Vấn đề là các DN xuất khẩu gạo của VN cần phải kiên nhẫn và đoàn kết để thực hiện đúng các yêu cầu mà VFA đưa ra để có thể xuất khẩu với giá hợp lý.



Theo Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường