Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giúp người trồng mía ở Trà Vinh tăng thu nhập
05 | 03 | 2010
Nông dân các vùng trồng mía hiện nay rất phấn khởi vì giá mía nguyên liệu liên tục tăng, nhưng cũng không ít người tiếc nuối vì đã lỡ bán mía non với giá thấp. Công ty mía đường Trà Vinh đã có nhiều giải pháp giúp người trồng mía tăng thu nhập để họ gắn bó lâu dài với nghề trồng mía, tạo ra vùng nguyên liệu mía ổn định.

Hộ ông Phương Khenl ở ấp Xoài Rùm, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, dù là lần đầu trồng mía nhưng nhờ chăm sóc mía rất kỹ nên năng suất mía vụ này không dưới 14 tấn/công. Với giá mía hiện nay, ông Khenl lời 10 triệu đồng/công. Bước vào vụ thu hoạch mía nhiều người trồng mía rất phấn khởi, có hộ thu lãi ròng cả trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, không ít người bùi ngùi tiếc nuối vì đã lỡ bán mía non cho các thương lái từ nhiều tháng trước. Anh Lâm Văn Toàn, ở ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh nói trong tiếc nuối: "Không ngờ giá mía năm nay tăng nhanh như vậy. Hai tháng trước tôi đã ký hợp đồng bán mía cho thương lái với giá 650 đồng/kg. Tính ra, mất gần bốn triệu đồng so với giá mía hiện tại".


Niên vụ này, nông dân Trà Vinh trồng hơn 4.250 ha mía. Phó Giám đốc Công ty mía đường Trà Vinh Nguyễn Thái Hòa, cho biết rất khó xác định được bao nhiêu hộ bán "mía non". Bởi vì có mua được "mía non" thì thương lái cũng nhờ hộ dân ký vào các chứng từ nhập mía. Theo dự tính ở Trà Cú có khoảng 20% diện tích mía đã được bán "non" cho thương lái trước ngày thu hoạch một đến ba tháng. Do giá mía nguyên liệu liên tục tăng, việc bán mía trước ngày thu hoạch càng sớm thì thiệt hại càng lớn, ít nhất cũng mất 200-300 đồng/kg. Việc nông dân bán "mía non" có ba nguyên nhân chính: Một là, những hộ neo đơn; hai là, những hộ túng thiếu giữa chừng, đành phải bán non; ba là, cứ đến kỳ thu hoạch mía rộ là không thuê được nhân công thu hoạch mía, vì vậy, thương lái thừa dịp ép nông dân bán mía với giá thấp hơn giá thu mua của các nhà máy đường từ 20 đến 30%. Từ nhiều năm trước, Công ty mía đường Trà Vinh đã thực hiện nhiều chính sách nhằm giúp người trồng mía thu được lợi cao nhất. Trong trồng trọt, công ty soạn thảo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc mía phân phát đến tận tay nông dân, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho những hộ mới chuyển sang trồng mía. Công ty cũng đã in và phân phát đến hộ trồng mía bảng hướng dẫn cách bón phân cho mía, trên cơ sở kết quả phân tích mẫu đất từng vùng, khuyến cáo cách bón phân cho từng loại đất trồng mía của Trường đại học Cần Thơ để người trồng mía chăm sóc cây mía đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Niên vụ 2009-2010, công ty ký hợp đồng đầu tư 2.505 ha với người trồng mía trong vùng nguyên liệu, có chính sách khuyến khích diện tích hợp đồng đầu tư trực tiếp và bán mía nguyên liệu cho công ty. Ðối với diện tích mía ký hợp đồng trồng chăm sóc và nhận đầu tư trực tiếp với công ty thông qua các trạm nguyên liệu, công ty thưởng 5.000 đồng/tấn và hỗ trợ 25% lãi suất đầu tư. Ngoài ra, công ty cam kết sẽ mua theo giá sàn bảo hiểm tối thiểu cao nhất của các nhà máy đường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với người trồng mía trong huyện. Về phía người nông dân, nếu ký hợp đồng bao tiêu với các nhà máy và tôn trọng hợp đồng, thì công ty sẽ có nhiều hỗ trợ. Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết thêm, để hạn chế thua thiệt cho người trồng mía khi phải bán "mía non" do túng thiếu, công ty cũng đã có chính sách tiếp tục cho vay thêm chăm sóc mía với điều kiện người vay phải bán mía cho công ty đủ sản lượng theo hợp đồng.


Tại hệ thống cân đo tự động của nhà máy vừa được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2010, anh Phan Văn Tùng, cán bộ kỹ thuật cho biết, hệ thống này gồm: máy đo độ cồn, chữ đường, cân điện tử, ca-mê-ra giám sát, phần mềm nối mạng toàn công ty, trị giá gần một tỷ đồng.  Giờ đây, người bán mía có thể yên tâm vì kiểm tra được từ khâu đăng tài nhập mía đến cân, đo chữ đường tự động không có sự can thiệp của con người (có kết quả ngay lập tức, trước đây phải mất nửa ngày). Tất cả số liệu đều rõ ràng thể hiện lên màn hình. Ðầu tư hệ thống này, công ty cũng có lợi là đã giảm được nhân sự, thủ tục thanh toán tiền cho khách hàng nhanh gọn hơn. Bên cạnh đó với mong muốn công khai, minh bạch trong khâu cân, đo, thanh toán cho người dân biết nhằm tránh tình trạng một số thương lái phao tin đồn xấu kiểu như "nếu không quen biết, nhà máy sẽ đánh tuột chữ đường, cân già..." để tranh mua, ép giá nông dân.


Niên vụ 2010 - 2011, Công ty mía đường Trà Vinh vừa có thêm nhiều chính sách ưu đãi cho người trồng mía. Ngoài việc đầu tư mía giống, phân bón, hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Công ty cho vay một phần giá trị đầu tư được tính theo lãi suất Ngân hàng Ðầu tư phát triển Trà Vinh tại cùng thời điểm, định mức đầu tư cho nông dân 17 triệu đồng/ha mía trồng mới và trồng lại; 9 triệu đồng/ha mía lưu gốc. Bên cạnh đó, công ty hỗ trợ tiền mặt cho những phần diện tích trước đây trồng mía nhưng đã chuyển sang trồng cây khác, nay quay lại trồng mía bằng các giống chín sớm và thu hoạch, vận chuyển bằng đường bộ thì được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/ha. Hiện nay, công ty công bố giá bảo hiểm tối thiểu là 600 đồng/kg, kèm theo các chính sách thưởng về chất lượng mía nguyên liệu (giống mía, chữ đường), tổng khối lượng mía nguyên liệu của từng vùng giao cho nhà máy. Theo ông Nguyễn Thái Hòa, các chính sách trên nhằm ổn định diện tích mía trong tỉnh hằng năm 5.000 - 6.000 ha, bảo đảm đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động đạt công suất 2.000 tấn mía/ngày, năng suất mía đạt 100 - 120 tấn/ha, chữ đường đạt 10 - 12 CCS.


Hiện nay, công ty từng bước nâng công suất ép mía, phấn đấu đạt 3.000 - 4.000 tấn mía/ngày bảo đảm tiêu thụ mía ổn định cho người trồng.


Ði một vòng từ xã An Quảng Hữu đến Lưu Nghiệp Anh thẳng xuống Kim Sơn, 3 xã trọng điểm mía của huyện Trà Cú, thả hết tầm nhìn, vẫn thấy những rẫy mía xanh thẫm chạy ngút ngàn. Ðang tầm mặt trời đứng bóng, giữa các ruộng mía, nắng đổ chang chang, bà con vui vẻ chặt, bó mía. Chúng tôi cảm nhận hương vị mía ngọt ngào. Hương vị của một vụ mía được mùa, trúng giá. Kia là những nhóm người đang cặm cụi chăm sóc  rẫy mía vừa lên quá gối, đến ngực và chực khuất đầu. Trong số họ, có người bán mía được giá 900 đồng/kg, cũng có người bán lúc mới 600 đồng/kg. Anh Kim Thanh ở ấp Xoài Rùm, xã Kim Sơn  là tổ trưởng của nhóm sáu người trong họ tộc, đứng ra nhận hợp đồng đầu tư 3,6 ha mía với Công ty mía đường Trà Vinh. Tổ của anh đều là những người mới chuyển từ đất lúa sang trồng mía từ vụ này. Ðất trồng mía mới được đầu tư giống, 50 kg phân u-rê, 25 kg phân ka-li và hai bao phân sinh học. Anh Kiên Tư, người cùng tổ với Kim Thanh đang đào rãnh chuẩn bị cho việc đặt hom mía, ngừng tay nói: Ðất này làm ruộng không còn trúng nữa, vụ lúa vừa rồi, bảy công chỉ thu được 55 giạ lúa, thấy người ta trúng mía mà ham, nên vợ chồng tôi chuyển sang trồng mía hết. Hộ ông Huỳnh Net cũng quyết định chuyển hết 12 công đất lúa sang trồng mía. Với giá mía như hiện nay, nông dân đang tích cực chuyển diện tích lúa sang trồng mía để tăng thu nhập cho gia đình.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường