Do thiếu mía nguyên liệu nên từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các nhà máy đường (NMĐ) trong khu vực ĐBSCL cạnh tranh quyết liệt trong thu mua mía nguyên liệu khiến giá mía tăng lên từng ngày.
Nhà máy đường ngừng hoạt động sớm
Hiện giá mía 10 CCS (chữ đường) được mua tại NMĐ Phụng Hiệp là 1.200 đồng/kg và tại NMĐ Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) là 1.230 đồng/kg, tăng gần gấp ba so với đầu vụ (mỗi chữ đường tăng sẽ được cộng thêm 100 đồng/kg). Do vào cuối vụ nên phần lớn mía ở khu vực này đạt từ 10 đến 12 CCS. Vì vậy, giá mua mía tại ruộng cũng phổ biến từ 1.200 đến 1.450 đồng/kg. Tuy giá mía tăng cao nhưng các NMĐ vẫn không đủ nguyên liệu để hoạt động. NMĐ Phụng Hiệp có công suất 2.500 tấn/ngày, nhưng chỉ thu mua được từ 1.800 đến 2.000 tấn/ngày; NMĐ Vị Thanh công suất 3.500 tấn/ngày, nhưng cũng chạy không quá 2.000 tấn/ngày. Ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ, cho biết: Sau Tết Nguyên đán, tình hình thiếu mía nguyên liệu khá trầm trọng.
Hiện toàn vùng chỉ còn khoảng 300.000 tấn mía nguyên liệu, trong khi có tới 6 NMĐ đang hoạt động nên các nhà máy sẽ ngừng hoạt động do hết nguyên liệu trong tháng 3 này, tức là sớm hơn cùng kỳ 1 tháng. Cũng theo ông Sơn, do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên hiện nay, các NMĐ trong khu vực cứ đơn phương tăng giá mà không ngồi lại để thống nhất giá thu mua như trước đây. Ngược lại, NMĐ nào không tăng giá thu mua sẽ không có nguyên liệu và sẽ ngừng hoạt động sớm. Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty CP Mía đường Sóc Trăng, cho biết hiện tại, mặc dù giá thu mua mía lên đến 1.350 đồng/kg nhưng cũng không đủ mía để nhà máy hoạt động. Hiện nay, do giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL quá cao nên hầu hết các NMĐ ở khu vực này không có lãi.
Một số hộ đã bán mía cách đây hơn 1 tháng đang tiếc “đứt ruột” vì không ngờ giá mía lại lên cao như hiện nay. Vùng mía nguyên liệu của thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) đã thu hoạch xong từ trước Tết Nguyên đán. Do thu hoạch sớm, hầu hết các hộ ở đây bán mía với giá từ 800 đồng đến 1.000 đồng/kg. Ông Lê Văn Đông ở xã Vị Tân, thị xã Vị Thanh bán mía trước Tết chỉ được 950 đồng/kg. Ngay cả ông Đông cũng không ngờ giá mía lại tăng cao như vậy.
Diện tích trồng mía tăng nhiều
Niên vụ mía 2009 – 2010, toàn vùng ĐBSCL đã trồng khoảng 52.000 ha mía. Với giá mía như hiện tại thì chắc chắn năm nay, diện tích trồng mía ở khu vực này sẽ tăng. Theo ước tính, đến nay, diện tích trồng mía ở ĐBSCL đã tăng hơn vụ rồi khoảng 30%. Như vậy, người trồng mía đang đối mặt với nguy cơ mía rớt giá như những năm trước đây. Ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN- PTNT Sóc Trăng, cho biết: “Mới đầu vụ mía 2010-2011 nhưng đã có trên 7.000 ha mía được trồng. Trong khi kế hoạch năm 2010 của toàn tỉnh là xuống giống 12.200 ha mía. Tuy nhiên, với giá mía cao như hiện nay sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng thêm diện tích mía”.
Hiện tại, vùng mía nguyên liệu của tỉnh Sóc Trăng tập trung tại huyện Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Long Phú và Thạnh Trị. Một số hộ trồng mía ở đây đã thấp thỏm lo âu. Ông Nguyễn Phước Hưng, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, năm vừa rồi không trồng mía nhưng do thấy giá cao nên vụ này, ông trở lại trồng mía. Ông ưu tư: “Trồng thì trồng vậy chứ không biết năm sau giá có cao không. Bởi vì một ha mía phải đầu tư khoảng 30 triệu đồng nên giá mía rớt thì nông dân sẽ bị lỗ nặng như những năm trước đây”.
Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, nơi có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL, dự kiến diện tích mía cũng tăng so với năm 2009. Hiện tại, các địa phương đang tập trung xuống giống. Trong đó, vùng nguyên liệu mía tại huyện Phụng Hiệp đã có 8.100 ha. Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho rằng năm nay, dự kiến diện tích mía ở huyện này sẽ tăng đáng kể. Ngoài ra, các vùng nguyên liệu mía khác của tỉnh, như: Long Mỹ, Ngã Bảy, Vị Thanh dự kiến cũng sẽ tăng diện tích trồng mía trong vụ này. Theo Sở NN-PTNT Hậu Giang, năm 2010, tỉnh này có kế hoạch trồng khoảng 15.000 ha mía, tăng hơn khoảng 3.000 ha so với năm rồi. Tuy nhiên, hiện nông dân đang đổ xô trồng mía nên diện tích có thể tăng hơn nữa.