Tại Nam Trung bộ, thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 11-2009 do liên tục hứng chịu hai cơn bão lớn nên hàng ngàn héc ta tiêu đã bị ngập úng và chết. Do đó, sản lượng tiêu của các tỉnh ở khu vực này sẽ sụt giảm đáng kể trong niên vụ mới, thu hoạch vào đầu năm 2010.
Theo báo cáo thường niên ngành hàng hồ tiêu năm 2009 và triển vọng năm 2010 của AGROMONITOR, suy thoái kinh tế là nguyên nhân chính khiến giá xuất khẩu hồ tiêu những tháng đầu năm 2009 không mấy sáng sủa. Những tháng cuối năm, khó khăn về kinh tế giảm bớt, giá xuất khẩu hồ tiêu theo đó đã có sự hồi phục, lượng xuất khẩu tuy có sụt giảm so với các tháng trước đó song so với cùng kỳ năm 2008 vẫn có sự tăng trưởng.
Trong cơ cấu xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, tiêu đen vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực (chiếm đến 66,1% về kim ngạch và 76,4% về số lượng). Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đen của Việt Nam năm 2009 đạt gần 227,4 triệu đô la Mỹ với 101.100 tấn. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tiêu trắng tăng lên 98,4 triệu đô la với 31.210 tấn. Các quốc gia nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam trong năm 2009 vẫn là Mỹ, Đức, Ảrập, Hà Lan, Ai Cập, Ấn Độ...
Theo dự báo của IMF, kinh tế thế giới năm 2010 sẽ dần thoát khỏi khủng hoảng và mức tăng trưởng có thể đạt 2,5-3%. Điều này sẽ giúp cho bức tranh nhập khẩu hồ tiêu của thế giới sáng sủa hơn. Nếu đứng trên góc độ cung cầu thì thị trường hồ tiêu toàn cầu có khả năng đối mặt với tình hình khan hiếm nguồn cung. Do đó, giá hồ tiêu trong năm 2010 sẽ hồi phục với tốc độ nhanh hơn so với năm 2009 và được giữ ở mức cao.
Giá xuất khẩu hồ tiêu hồi phục tất yếu có tác động tới giá tiêu trên thị trường nội địa. Mặt khác, việc giá tiêu Ấn Độ cao cũng khiến Mỹ và các nước châu Âu tìm đến hồ tiêu của các quốc gia có giá xuất khẩu rẻ hơn, trong đó có Việt Nam cũng sẽ góp phần giúp giá hồ tiêu Việt Nam hồi phục nhanh hơn.