Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường chè thế giới năm 2009 và dự báo 2010
16 | 03 | 2010
Thị trường chè thế giới đã gặt hái được một năm “vàng” trong năm 2009 khi giá tăng gấp đôi và lập kỷ lục cao của nhiều năm nay nhờ nhu cầu ổn định, bất chấp khủng hoảng kinh tế, trong bối cảnh hạn hán ở Ấn Độ, Sri Lanka và Kenya làm hạn chế nguồn cung.

Từ mức giá trung bình 2,38 USD/kg năm 2008, giá chè hảo hạng BP1s của Kenya đã tăng lên 2,74 USD/kg vào đầu năm 2009, tiếp tục tăng lên 3,18 USD/kg vào tháng 9/2009 và kết thúc năm 2009 ở mức 5,45 USD/kg.

Theo thống kê chính thức trong giai đoạn tháng 1 – 9/2009, sản lượng chè thế giới đạt 1275,5 triệu kg, giảm khoảng 89 triệu kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là nguyên nhân khiến nhiều nước sản xuất chè lớn rơi vào tình trạng thiếu cung, như Ấn Độ, Châu Phi và Sri Lanka.

Sản lượng chè ở Kenya, Ấn Độ và Sri Lanka, những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, đều giảm xuống 603,6 triệu kg trong nửa đầu năm 2009, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, do hạn hán. Việc nông dân giảm sử dụng những loại phân bón chất lượng cao cũng ảnh hưởng xấu tới sản lượng. Kenya, Ấn Độ và Sri Lanka góp 60% vào sản lượng chè đen toàn cầu.

Sản lượng chè của Kenya, nước xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới, đã giảm 9% xuống còn 278 triệu kg trong 11 tháng đầu năm. Xuất khẩu chè nước này đang bị chậm lại. Nguyên nhân đều do hạn hán trầm trọng. Trong tháng 5, Kenya chỉ xuất khẩu được 22,4 triệu kg chè, giảm 22% so với 28,7 triệu kg cùng tháng năm ngoái. Từ mức sản xuất 345 triệu kg chè và thu được 62 tỷ shilling trong năm 2008, sản lượng chè Kenya năm 2009 ước tính giảm 6 - 10% do thời tiết khô hạn, song thu nhập tăng lên khoảng 65 tỷ Sh (851,3 triệu USD), so với 62 tỷ Shilling năm trước, bởi giá cao kỷ lục.

Sản lượng chè của Ấn Độ trong 10 tháng tính tới 31/10/2009 đã giảm xuống mức 830,4 triệu kg, so với 832,5 triệu kg cùng kỳ năm trước đó. Xuất khẩu đã giảm 12% trong cùng kỳ, xuống 150 triệu kg. Các bang trồng chè lớn nhất của Ấn Độ là Assam và West Bengal sẽ không sản xuất chè cho tới đầu tháng 4 năm nay vì đó là giai đoạn thời tiết lạnh.

Tiêu thụ chè hàng năm ở Ấn Độ hiện khoảng 800 triệu kg, với mức tăng mỗi năm khoảng 30 triệu kg. Lượng thiếu cung 65 triệu tấn hiện nay ở Ấn Độ chưa thể nhanh chóng được lấp đầy. Với sản lượng 960 triệu kg hiện nay, Ấn Độ vẫn đang là nước xuất khẩu ròng chè. Tuy nhiên trong 7 đến 10 năm tới, Ấn Độ có thể sẽ trở thành nước nhập ròng mặt hàng này.

Sri Lanka, nước sản xuất chè lớn thứ 4 thế giới, đã sản xuất 263,8 triệu kg chè trong 11 tháng đầu năm 2009, cũng giảm 12% so với cùng kỳ năm trước đó. Xuất khẩu từ nước này cũng giảm mạnh, giảm 44% trong tháng 6 so với tháng 6 năm ngoái.

Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam tăng khoảng 40 triệu USD so với năm trước đó đạt 117 ngàn tấn, nhờ khối lượng xuất khẩu tăng. Đây là một trong số ít những ngành giữ được phong độ xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút.

Nhu cầu chè cao ngay cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái, nhất là với các loại chè chế biến. Gía chè tăng đã không ảnh hưởng nhiều tới tiêu thụ ở các nước phát triển bởi sức cạnh tranh của mặt hàng này rất cao trên thị trường đồ uống nói chung. Còn tại các nước đang phát triển, các nhà chế biến chè chắc chắn gánh phần tăng giá nhiều hơn so với người tiêu dùng, bởi giá thu mua chè chiếm phần lớn nhất trong giá bán lẻ.

Tại thị trường Mỹ, mặc dù kinh tế đang khó khăn nhưng tiêu thụ chè không những không giảm mà còn tăng mạnh. Người tiêu dùng tại Mỹ có xu hướng chuyển từ những đồ uống đắt tiền như cà phê, nước trái cây… sang các sản phẩm rẻ hơn như chè. Tại thị trường châu Âu, các nước như: Đức, Anh, Nga cũng đều có xu hướng tăng nhu cầu tiêu dùng chè trong thời gian tới...

Theo dự báo của FAO, trong giai đoạn 2009 - 2010, nhập khẩu chè đen thế giới ước tính khoảng 1,15 triệu tấn, mức tăng trung bình khoảng 0,6%/năm. Các nước nhập khẩu chính như Anh, Nga, Pakistan, Mỹ, Nhật Bản… sẽ chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu chè toàn thế giới vào năm 2010.

Tiêu thụ chè thế giới luôn tăng vượt sản lượng trong giai đoạn 2005 – 2009, với khoảng cách lớn nhất là vào những năm từ 2007 đến 2009, khi mức tăng nhu cầu vượt tới 3,4 điểm phần trăm so với mức tăng cung, đúng vào thời điểm giá chè tăng mạnh.

Trên thực tế, phần thu nhập mà các hộ gia đình dành để mua chè vẫn tương đối nhỏ. Vì vậy, đây là thị trường được đánh giá là có tiềm năng rất lớn.

Dự báo tình trạng thiếu cung chè sẽ càng thêm trầm trọng trong năm 2010 do sản lượng ở Châu Phi, Sri Lanka và Ấn Độ tăng không theo kịp nhu cầu tăng,

Aditya Khaitan, giám đốc công ty McLeod Russel India Ltd. – công ty sản xuất chè lớn nhất thế giới, dự báo thị trường chè thế giới có thể thiếu tới 130 triệu kg vào tháng 4/2010, cao hơn mức thiếu 110 triệu kg dự báo hồi tháng 9/2009, và giá có thể lập kỷ lục cao mới trong năm nay do tình trạng thiếu hụt kéo dài quá lâu.

Sản lượng của các nước sản xuất lớn năm nay sẽ hồi phục, song vẫn không đủ bù đắp chỗ thiếu hụt bởi tiêu thụ đang tăng nhanh, không chỉ ở Ấn Độ mà cả Trung Đông, Pakistan, Ai Cập và những thị trường có mức tiêu thụ tưởng đã bão hoà như Anh và Ai len. Chỉ riêng Ấn Độ sẽ cần thêm 35 triệu kg chè để đáp ứng nhu cầu tăng thêm 3,5% trong năm nay.



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường